Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phá giá nhân dân tệ xuất khẩu nông sản Việt thiệt hại lớn

Phá giá nhân dân tệ xuất khẩu nông sản Việt thiệt hại lớn
Ngày đăng: 15/08/2015

Lo nhất là gạo

Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang TQ. Cụ thể, trong số 3,72 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu, riêng TQ đã chiếm 38,1%. Đối với mặt hàng cao su, TQ cũng là nước dẫn đầu trong số các nước nhập khẩu sản phẩm này của nước ta, với khoảng trên 25% sản lượng. Tương tự, hạt điều Việt Nam mà TQ nhập khẩu chiếm gần 13%. Đặc biệt là mặt hàng sắn khi TQ nhập khẩu tới gần 90% trên tổng số 2,89 triệu tấn sắn mà nước ta đã xuất khẩu trong 7 tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Công ty TNHH Việt Hưng- chuyên xuất khẩu gạo, cho biết, bên cạnh việc xuất khẩu chính ngạch, TQ còn tiêu thụ một lượng 2 – 3 triệu tấn gạo Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch. Do vậy, việc TQ phá giá  NDT dễ dẫn tới việc giảm sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này. Ông Đôn cho ví dụ, hiện tại, giá gạo thơm đang bán chính ngạch sang Trung Quốc giá 580 USD/tấn. Với mức tỷ giá mới ngày 13.8, 1USD = 6,4010 NDT, nhà nhập khẩu TQ phải bỏ ra đến 3.720 NDT cho 1 tấn gạo thơm, tăng hơn 170 NDT so với lúc trước khi đồng tiền nước này giảm giá.

“Việc phải mua gạo Việt Nam với giá cao, buộc nhà nhập khẩu TQ phải bán ra với giá cao hơn để đảm bảo lợi nhuận. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu TQ phải giảm mua gạo từ Việt Nam, chuyển sang mua gạo Thái, Myanmar với giá cạnh tranh hơn”- ông Đôn nói.

Nhiều thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tiểu ngạch với TQ tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Long An… cũng cho rằng, đang có hiện tượng phía TQ ép nhà xuất khẩu phải giảm giá gạo, dù hợp đồng đã ký. “Nếu không giảm giá, họ có thể viện đủ lý do, không nhận hàng hoặc chỉ nhập một phần hợp đồng” - đại diện một nhà xuất khẩu gạo tại Cái Bè (Tiền Giang) lo lắng.

Tương tự, mặt hàng sắn có khả năng còn bị ảnh hưởng nặng hơn. Ông Nguyễn Duy Nghiệp- Giám đốc Công ty An Nghiệp (Lào Cai) cho biết: “Tôi hoàn toàn xuất khẩu nông sản như sắn sang TQ qua con đường chính ngạch, nên sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn mỗi khi giá NDT lên, xuống”. Theo ông Nghiệp, khi mình xuất nông sản sang TQ họ thường trả trực tiếp bằng NDT, nên đương nhiên khi NDT rẻ đi thì mình sẽ chịu thiệt do mình phải bỏ ra nhiều NDT hơn so với trước để đổi USD hoặc tiền Việt để trả tiền thu mua nông sản cho bà con nông dân và các đại lý.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Ái - Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, chuyên xuất khẩu sản phẩm chè cho biết: “Khi TQ điều chỉnh tỷ giá như vậy, sẽ làm lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của họ. Nhưng đối với doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu hàng sang TQ, tiền thu về là  NDT, đến khi quy đổi sang USD sẽ rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Do đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang TQ có thể sẽ giảm xuất phát từ việc giảm nhu cầu nội địa, giảm nhu cầu hàng hóa tại TQ, đặc biệt là hàng nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang phần lớn xuất khẩu sang quốc gia này”.

Thủy sản cạnh tranh khốc liệt

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lo ngại, giá thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới hiện cao hơn các nguồn cung cấp khác nên cạnh tranh khá khó khăn. Việc TQ giảm giá NDT càng khiến doanh nghiệp trong nước lo ngại về việc sụt giảm sản lượng xuất khẩu.

Cụ thể, dù đã giảm giá, nhưng so với tôm của Ấn Độ, Thái Lan, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao hơn xấp xỉ 2 USD/kg. Nửa đầu năm 2015, giá tôm Việt Nam xuất sang Mỹ trung bình gần 12 USD/kg, trong khi tôm Ấn Độ chỉ ở mức 10,2USD, tôm Indonesia chỉ 10,3USD/kg. Trong khi đó, hiện là thời điểm doanh nghiệp chạy đua kiếm thêm đơn hàng xuất khẩu vào nước này cho dịp lễ, tết cuối năm.

Ông Trần Văn Lĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) nêu ví dụ cụ thể, hiện hàng thuỷ sản chế biến sâu như tôm tẩm bột, tôm hấp… chỉ có TQ, Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh. Với tỷ giá điều chỉnh chỉ 1% VND/USD, trong khi TQ giảm giá đến 4,6%, sản phẩm của nước này sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Với mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: “Theo tính toán của chúng tôi, mức giá xuất vào nước này có thể giảm thêm từ 2 – 5%. Chỉ riêng mặt hàng thanh long, theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên, hiện giá thanh long xuất sang TQ đang giảm  mạnh từ mức trên 20.000 đồng/kg xuống còn khoảng 9.000 – 10.000 đồng/kg”.

Đại diện hầu hết các hiệp hội ngành hàng như cà phê, hồ tiêu… cũng đều nhận định xuất khẩu sang thị trường TQ trong thời gian tới chắc chắn sẽ có tác động. ông Nguyễn Viết Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam cho biết, mặt hàng cà phê đang bị chịu tác động mạnh khi Brazil phá giá đồng tiền nội địa, giờ lại tiếp tục thêm TQ. Mặc dù thị trường TQ chỉ xếp thứ 8 về các nước nhập khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tới xuất khẩu cà phê. 


Có thể bạn quan tâm

Giồng Trôm (Bến Tre) Chú Trọng Cây Chanh Trong Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Giồng Trôm (Bến Tre) Chú Trọng Cây Chanh Trong Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp

Theo ông Lê Vĩnh Bình - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, trong việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với các loại cây đặc sản các địa phương cần phải tính đến điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng khác nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và bền vững với giá trị gia tăng. Xét trên điều kiện tự nhiên ấy, Giồng Trôm và Chợ Lách đang có những bước đi đúng hướng, phù hợp với lợi thế của địa phương.

20/10/2014
Sức Bật Mới Trên Huyện Cù Lao Sức Bật Mới Trên Huyện Cù Lao

Dù chỉ mới qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2014 nhưng căn cứ những số liệu phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với dự báo khả năng đạt các chỉ tiêu đến cuối năm, Tân Phú Đông hoàn toàn có thể tin tưởng về bức tranh kinh tế, xã hội khả quan của năm nay.

21/10/2014
Giá Cao Su Ổn Định Ở Mức 1.500 USD/tấn Giá Cao Su Ổn Định Ở Mức 1.500 USD/tấn

Bên cạnh đó, Hiệp hội Cao su Thái Lan dự báo sản lượng cao su thiên nhiên Thái Lan sẽ giảm 10% trong năm 2014, xuống còn 3,8 triệu tấn thay vì 4 triệu tấn trong các dự báo trước đó do người trồng cao su trong nước giảm cường độ khai thác.

21/10/2014
Hoa Quả Xuất Khẩu Việt Nam Chủ Yếu Sang Trung Quốc Hoa Quả Xuất Khẩu Việt Nam Chủ Yếu Sang Trung Quốc

Các mặt hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu là xoài, vải, chuối, thanh long, chôm chôm… Thời gian tới, Việt Nam sẽ bổ sung một số hoa quả vào danh mục xuất khẩu như vú sữa, xoài, thanh long ruột đỏ, chôm chôm, vải sang các thị trường khó tính Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Australia.

21/10/2014
Khuyến Khích Nông Dân Thu Hoạch Cà Phê Chín, Đảm Bảo Chất Lượng Khuyến Khích Nông Dân Thu Hoạch Cà Phê Chín, Đảm Bảo Chất Lượng

Cụ thể như tuyên truyền rộng rãi tới từng hộ sản xuất kinh doanh cà phê về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng cà phê trong nền kinh tế thị trường, từ đó làm chuyển biến nhận thức của bà con trong việc thực hiện đúng quy trình thu hoạch cà phê chín với tỷ lệ trên cây từ 90% trở lên, không hái quả xanh cũng như để chín quá làm khô, rụng.

21/10/2014