Ớt Rớt Giá, Nông Dân Cay Mắt Nhìn Ớt Rụng

Nhiều người nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) đang điêu đứng vì ớt rớt giá không phanh nhưng vẫn không bán được. Tiền bán ớt hiện không bù được chi phí chăm sóc, thu hoạch…
Cay mắt nhìn ớt rụng
Mô hình trồng ớt ở Bố Trạch rộ lên khoảng 2 năm trở lại đây, với giá thu mua khá cao nên nhiều nông dân đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác sang trồng ớt. Năm nay, toàn huyện Bố Trạch có tổng diện tích trồng ớt lớn nhất toàn tỉnh, với hơn 350ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Trạch, Cự Nẫm, Phú Định…
Tuy nhiên hiện tại trên những cánh đồng ở Bố Trạch, ớt đã chín đỏ đồng mà người nông dân vẫn không mặn mà với công việc thu hoạch bởi ớt đang rớt giá không phanh. Nếu như năm ngoái ở thời điểm này giá ở đạt 45-50 ngàn đồng/kg thì nay đã hạ xuống còn 7 ngàn đồng/kg và đang tiếp tục giảm.
Ngồi nhìn ruộng ớt chín đỏ rực không buồn hái, ông Trần Rách (75 tuổi), ở thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch thở dài: “Năm ngoái thấy được giá, năm ni gia đình tôi không trồng ngô nữa, đầu tư gần 2 sào ớt vậy mà giá rớt thảm quá. Với giá này, tính ra tiền bán ớt không đủ bù công thu hoạch chứ đừng nói đến công chăm sóc, tiền phân bón, tiền giống”.
Hai vợ chồng ông Phạm Văn Hữu và Đinh Thị Dinh ở thôn Nguyên Sơn, xã Cự Nẫm cho biết, vụ ớt năm nay gia đình ông trồng hơn 1ha ớt, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên rất sai quả. Thế nhưng với giá ớt như hiện tại, gia đình ông đành để ớt chín thối ngoài ruộng vì nếu thu hoạch sẽ phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng mỗi ha.
Doanh nghiệp thu mua cầm chừng
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, vụ mùa năm nay, toàn xã trồng hơn 53ha ớt. Từ đầu vụ bà con nông dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng và phòng ngừa sâu bệnh nên năng suất cao hơn hẳn mọi năm, ước tính năng suất đạt trên 80 tạ/ha.
Từ đầu mùa, doanh nghiệp cam kết sẽ mua với giá tối thiểu 12 ngàn đồng/kg nên địa phương và bà con nông dân trồng ớt rất phấn khởi. Thế nhưng hiện tại giá ớt ngày càng giảm, các doanh nghiệp tỏ ra chần chừ trong việc gom hàng trong khi ớt chín đỏ đồng, nhiều gia đình đành chịu lỗ bán cho thương lái ở chợ.
“Chi phí đầu tư trồng một sào ớt khoảng 3 triệu đồng. Với thời tiết thuận lợi thì năng suất có thể đạt 4-5 tạ/sào, lợi nhuận hơn hẳn so với trồng lúa. Nhưng với giá như hiện nay, cùng với việc các doanh nghiệp thu mua cầm chừng thì nông dân cầm chắc lỗ vốn”.
Ông Nguyễn Cẩm Long - Phó phòng NNPTNT huyện Bố Trạch.
Ông Nguyễn Cẩm Long - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết, mùa vụ năm nay, toàn huyện Bố Trạch có 5 công ty đăng ký cung cấp nguồn giống, phân bón bà con nông dân sản xuất đồng thời cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá quy ước tối thiểu là 12 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên hiện tại do thị trường bất ổn, giá ớt xuống quá thấp, các doanh nghiệp cho rằng nếu mua theo giá cam kết thì cũng sẽ phải chịu lỗ nên dừng thu mua.
“Nếu thu mua ớt theo giá cam kết thì chúng tôi chắc chắn chịu lỗ nặng vì giá thị trường rất thấp và có xu hướng tiếp tục giảm. Hiện, chúng tôi đang cố thương lượng với bà con trồng ớt với mức giá “mềm” hơn nhằm cùng nhau chia sẻ khó khăn”- chủ một doanh nghiệp thu mua ớt giải thích.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Bá Đề, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Chỉ cách đây vài năm, Noong Hẹt là xã thuần nông. Xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới nên việc học nghề và đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn đã được xã Noong Hẹt quan tâm và phát triển.

Với lợi thế về đất đai, đồi rừng, ao hồ, sông suối và nhất là nguồn lao động trong nông thôn dồi dào, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm... góp phần xoá đói giảm nghèo cho dân.

Cùng với một số huyện trên địa bàn tỉnh, dự án Danida do Chính phủ Đan Mạch viện trợ ở Tủa Chùa đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Những năm qua, huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.

Những năm gần đây Thanh Luông được đánh giá là xã có tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhanh và mạnh của huyện Điện Biên.