Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông Nguyễn Văn Mười Làm Giàu Từ Cây Vú Sữa Nâu

Ông Nguyễn Văn Mười Làm Giàu Từ Cây Vú Sữa Nâu
Ngày đăng: 02/12/2014

Ông Nguyễn Văn Mười, xã Long Hưng (Châu Thành - Tiền Giang), được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp gia đình mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, lão nông hơn 60 - Nguyễn Văn Mười kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa ông đến với cây vú sữa nâu. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng một số loại cây có múi, tuy nhiên, sau thời gian canh tác, thành quả mà gia đình ông gặt hái được không nhiều, nếu được mùa thì lại rớt giá, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn. Khi đó, phong trào trồng vú sữa nâu bắt đầu xuất hiện tại địa phương, ông bắt tay vào công việc, tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ và chuyên tâm đầu tư vào loại cây ăn trái mới này.

Vừa nói chuyện, ông vừa chỉ sang vườn vú sữa nâu bạt ngàn gần 2ha, đang cho trái xum xuê, trĩu cành, bộc bạch: "Nhờ nó mà tôi mới cất được cái nhà này, sắm được chiếc xe máy, mua được cái ti-vi...". Quả thật, khi nhìn thấy được những "quả ngọt" của gia đình ông Mười, chúng ta mới có thể hình dung được, ông đã bỏ công chăm sóc như thế nào? và mái đầu đã bạc gần hết, nước da sạm đen vì nắng, gió của ông đã nói lên điều đó.

Ông Mười nói: "Vú sữa là loại cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất cao, nơi có mực nước phù sa lên xuống, nhưng người trồng cũng phải nắm vững kỹ thuật từ lúc chọn giống, lên liếp cho tới lúc bón phân, bẻ trái. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái và từ ngày vú sữa ra hoa cho đến khi chín mất khoảng 8 đến 9 tháng. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước". Hiện tại, vú sữa bắt đầu vào mùa thu hoạch, do đầu mùa nên bán giá khá cao 15.000 đồng/trái, sau khi trừ các chi phí, mỗi trái vú sữa lời khoảng 10.000 đồng. Những lúc cao điểm mỗi trái vú sữa nâu có giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng.

Vú sữa nâu thường năng suất không cao bằng vú sữa Lò Rèn, do mùa vụ của vú sữa nâu chín sớm hơn vú sữa Lò Rèn gần 1 tháng, nên thường bán được giá cao vào lúc đầu vụ. Khoảng cuối vụ giá có giảm đôi chút, nhưng không đáng kể, khi thấp nhất nhà vườn vẫn bán được từ 7.000 đến 10.000 đồng/trái. Với mức giá như vậy, bà con trồng vú sữa có thể an tâm canh tác.

Bén duyên với cây vú sữa nâu đã lâu, ông Mười tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Ông chia sẻ, trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali nên tưới liên tục trong 3 ngày, để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát. Sau mỗi vụ thu hoạch, cần cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật, giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn.

Để vú sữa bán được giá cao, hạn chế được mùa mất giá, ông còn tiến hành xử lý để cây cho trái nghịch vụ. Vú sữa nâu khi chín giòn, dai, độ ngọt vừa phải, nên thích hợp với người kiêng ngọt. Chính vì ưu điểm đó, nên vú sữa nâu luôn được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, ông còn tận dụng đất trống trồng thêm bưởi da xanh, chuối cau... vừa tiết kiệm được phân bón, vừa giữ ẩm cho đất. Theo ông Mười, đây cũng là những loại cây trồng cho thu hoạch sớm, lấy ngắn nuôi dài, tập trung đầu tư vào cây trồng chủ lực của gia đình. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong phong trào Hội Nông dân tại địa phương, ông Mười luôn là một hội viên tích cực. Ông chia sẻ kinh nghiệm trồng vú sữa nâu, giúp đỡ hội viên còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đặc biệt, ông là người xung phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, vận động bà con hiến đất làm đường, tạo sự khang trang, đổi mới trong xóm làng.

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng nhận xét: "Anh Mười là một trong những nông dân của xã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn. Từ đó, có những định hướng thiết thực, giúp nhiều hộ nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình vú sữa nâu của anh được Hội Nông dân xã chọn làm điểm để nông dân các xã bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm hàng năm. Ngoài ra, anh còn hiến hơn 500 m2 để xây dựng giao thông nông thôn. Chúng tôi rất đề cao vai trò của anh Mười. "

Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, đó là thành quả của bao năm miệt mài lao động sáng tạo của ông Nguyễn Văn Mười. 3 người con lớn của ông Mười đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; người con út đang theo học hệ cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình hiếu học, nông dân sản xuất - kinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Nguồn bài viết: http://tiengiang.gov.vn/vPortal/4/625/1199/70441/Kinh-te/Ong-Nguyen-Van-Muoi--Lam-giau-tu-cay-vu-sua-nau.aspx


Có thể bạn quan tâm

Trị bệnh sán lá gan cho trâu bò Trị bệnh sán lá gan cho trâu bò

Bệnh sán lá gan là bệnh xảy ra khá phổ biến ở loài gia súc nhai lại như: Trâu, bò, dê, cừu… Bệnh thường ở thể mãn tính, làm cho vật nuôi gầy yếu, chậm lớn mà không gây ốm cấp tính hoặc quật ngã con vật ngay. Vì vậy người nuôi thường không phát hiện được bệnh, ít quan tâm đến việc phòng bệnh.

05/06/2015
Kiếm trăm triệu mỗi năm từ cây bóng mát Kiếm trăm triệu mỗi năm từ cây bóng mát

Đã gần 20 năm nay, địa chỉ “Huy Veo” ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) chuyên cung cấp cây bóng mát, cây công trình của ông Nguyễn Văn Veo trở nên thân quen đối với nhiều cơ quan, đơn vị, các khu du lịch trong vùng.

05/06/2015
Người trồng rau VietGAP được hỗ trợ thế nào? Người trồng rau VietGAP được hỗ trợ thế nào?

Anh Nguyễn Văn Toàn (Hà Giang) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP?

05/06/2015
Giống lúa TBR 225 hấp dẫn nhà nông Giống lúa TBR 225 hấp dẫn nhà nông

Có mặt trên cánh đồng thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những ngày cuối tháng 5, các đại biểu và bà con nông dân tham gia hội thảo đánh giá chất lượng TBR 225 đều vui mừng vì đã tìm ra được giống lúa có chất lượng gạo ngon và năng suất rất cao.

05/06/2015
Một số ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta Một số ý kiến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta

Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập vừa mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đưa đến không ít thách thức đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, ngành nông nghiệp đang ra sức tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

05/06/2015