Ông Ngoạn Hai Nhất

Ông Lê Huy Ngoạn ở thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một trong số nông dân hiếm hoi đạt được hai cái nhất. Đó là nuôi cá sinh sản, cá giống giỏi nhất và trồng ổi Đài Loan đạt hiệu quả kinh tế cao nhất vùng.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi cá có tổng diện tích 16.900m2 (gần 1,7ha) ông Ngoạn cho biết, trang trại của gia đình ông vào những năm 1980 là khu trại cá liên doanh giữa 3 xã Dương Xá, Phú Thị, Dương Quang và ông là một trong số 16 lao động làm việc tại đó.
Năm 1988, sau khi chuyển từ chế độ bao cấp sang hạch toán kinh doanh, ông đã mạnh dạn nhận thầu trại cá với mức 12 tấn thóc/năm (tương đương 3 tạ thóc/sào). Ngay từ khi nhận thầu, ông đã quyết định sử dụng toàn bộ diện tích này nuôi cá sinh sản và ươm một số giống như: Chép, trôi, trắm, mè… để cung cấp cho thị trường miền Nam và các tỉnh lân cận. Những năm đầu, gia đình chỉ đầu tư nhỏ giọt và tổ chức sản xuất theo hình thức lấy công làm lãi.
Từ năm 2008 đến nay, được Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội quan tâm hỗ trợ, gia đình ông đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng theo mô hình khép kín. Tại khu trang trại này, ngoài nhà quản lý được xây dựng khang trang, ông đã tiến hành đắp bờ chống lở toàn diện cho 14 ao nuôi cá sinh sản. Riêng 6 bể ấp và 2 bể đẻ khép kín nhân ươm các loại cá thông dụng được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật.
Xác định nuôi cá là nghề chính mang lại thu nhập cho gia đình, ông Ngoạn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn của TP và tìm kiếm thông tin trên mạng internet để tìm ra cách phòng trị bệnh hữu hiệu cho cá. Mỗi năm, gia đình ông tiến hành vét bùn đất, vệ sinh ao nuôi bằng vôi bột từ 1 - 2 lần. Đối với nguồn nước, để đảm bảo an toàn, gia đình ông sử dụng 100% nước đã qua bể lọc để giữ nhiệt độ nước trong bể ổn định từ 28 - 30oC (thích hợp nhất cho cá).
Ông còn sử dụng hệ thống máy quạt nước đảm bảo lượng ô xy để giúp cá hô hấp tốt. Bên cạnh đó, ông tự chế biến thức ăn nuôi cá bằng các loại nguyên liệu như cỏ, cám ngô, cám gạo, đỗ tương… nên nước trong ao nuôi ít bị nhiễm khuẩn, giảm chi phí, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình một năm, ông xuất bán ra thị trường từ 300 - 400 triệu cá bột và trên dưới 50 vạn cá phân tấc, thu lãi vài trăm triệu đồng.
Cũng như nhiều hộ nuôi thủy sản trong xã là sử dụng triệt để các bờ ao vào việc trồng cây ăn quả. Chỉ có điều khác ở gia đình ông Ngoạn là trong khi nhiều hộ trồng nhãn, vải, ổi tứ mùa thì ông lại quyết định trồng 400 gốc ổi Đài Loan, bởi ông cho rằng, giống ổi Đài Loan nếu chăm sóc tốt sẽ cho quả to, độ ngọt cũng đậm hơn ổi tứ mùa rất nhiều. Cách tính toán của ông quả không sai.
Sau 2 năm, 400 gốc ổi của trang trại đã kết trái, quả nhỏ thì 3 - 4 quả/kg, quả to thì nặng từ 5 - 7 lạng, vỏ sáng, vị ngọt lịm nên giá trị cao gấp 1,5 - 2 lần so với ổi Đông Dư. Nhờ đó, mỗi năm gia đình vừa thu thêm trên 100 triệu đồng từ tiền bán ổi, vừa tạo bóng mát cho đàn cá vào các ngày hè nóng nắng.Có thể nói, ông Lê Huy Ngoạn ở thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm đã gặt hái được nhiều thành công với nghề nuôi cá sinh sản và ươm cá giống, trở nên giàu có từ chính đôi tay cần lao của mình.
Có thể bạn quan tâm

“Không còn cách nào khác nên chúng tôi phải hành động, trước hết là để sống sót, sau nữa là vực dậy ngành chăn nuôi trong nước. Cả đời gắn bó với con gà, cái máng… giờ gần như phải phá sản, chúng tôi đâu biết làm gì hơn!”.

Diện tích lúa bị bệnh khô vằn ở các tỉnh phía Bắc đang tăng lên đáng kể, tăng 38.000ha so với tuần trước. Nhiều khả năng, dịch bệnh này sẽ lây lan mạnh hơn trong những ngày tới, khi mưa lớn quay trở lại Bắc Bộ.

Tiếp nối thành công từ Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ nhất (2013-2014), từ tháng 10.2014, Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) đã tiếp tục phát động cuộc thi lần thứ 2. Theo đánh giá, đây là cuộc thi thiết thực, bổ ích và đặc biệt ra đời đúng thời điểm cả nước đang triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, mà trong đó lấy người nông dân là trọng tâm, chủ thể.

Biết trước được hàng nông sản Việt sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia các hiệp định FTA, TPP, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam (VN) đã nêu lên các giải pháp ứng phó, trong đó có bài toán bảo hộ sản xuất trong nước.

Ngày 28.7.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2664/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi (QHPTNCN) của tỉnh đến năm 2020. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về mục tiêu và các giải pháp thực hiện quy hoạch nói trên.