Ông Lường Văn Phanh Vượt Khó Làm Giàu

Trong chuyến công tác tại huyện Mường Chà, chúng tôi có dịp được gặp và chia sẻ kinh nghiệm vượt khó làm giàu với ông Lường Văn Phanh, tổ dân phố số 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà. Ông Phanh là 1 trong 51 cá nhân tiêu biểu được UBND huyện Mường Chà tặng Giấy khen trong Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Mường Chà lần thứ 2.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang ven quốc lộ 12, ông Phanh, chia sẻ: Trước đây, cũng như nhiều gia đình khác trong tổ dân phố số 1, cuộc sống của gia đình ông còn nhiều khó khăn. Điều đó khiến ông không khỏi băn khoăn. Làm sao cho gia đình mình, dân tộc, dòng họ mình được ấm no hạnh phúc?
Trăn trở đó thôi thúc ông và gia đình chuyển hướng sản xuất, định canh định cư, bỏ tập quán canh tác cũ và chuyển sang khai hoang ruộng lúa nước, thâm canh tăng vụ, chăn thả gia súc, thường xuyên trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ gia đình khác, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt.
Cách làm đó đem lại hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng nhiều chính sách hỗ trợ như: Cho vay vốn, hỗ trợ các loại giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật sản xuất...
Đến nay cuộc sống gia đình ông và các hộ trong tổ dân phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét: Con em các dân tộc tổ dân phố 1 được đến lớp đúng độ tuổi; cuộc sống sinh hoạt được nâng lên. Từ năm 2000 đến nay, ngoài ruộng được chia, gia đình ông Phanh đã khai hoang được 0,6ha ruộng lúa nước; đào 1.000m2 ao thả cá; chăn nuôi 15 con gia súc; hơn 100 con gia cầm và làm phụ thêm công việc khác, hàng năm trừ chi phí thu được trên 70 triệu đồng.
Gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn xóa đói giảm nghèo sửa chữa và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất như: máy cày, máy phay… để phục vụ hoạt động sản xuất và làm dịch vụ cho các hộ dân trong bản.
Ông Lý A Giàng, Phó phòng Dân tộc huyện Mường Chà, cho biết: Ông Lường Văn Phanh là một trong những cá nhân tiêu biểu của đồng bào các dân tộc huyện Mường Chà trong công tác xây dựng kinh tế hộ gia đình và xóa đói giảm nghèo. Ngoài phát triển kinh tế, ông còn thường xuyên giúp đỡ những hộ gia đình trong bản còn nghèo, còn gặp khó khăn, đặc biệt là thường xuyên san sẻ kinh nghiệm với bà con dân bản cách làm kinh tế để thoát nghèo.Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân và được bà con tin tưởng, tín nhiệm bầu làm người có uy tín tại tổ dân phố số 1, thị trấn Mường Chà.
Có thể nói, đạt được thành quả như ngày hôm nay, ngoài ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, dám nghĩ dám làm của gia đình ông Lường Văn Phanh, còn phải kể đến những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Chà xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm

Phát huy lợi thế vùng núi cao, ông Bùi Văn Thuân, thôn Nga 3, xã Cúc Phương (Nho Quan - Ninh Bình) đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi hươu. Qua gần chục năm, mô hình chăn nuôi hươu của gia đình ông cho hiệu quả kinh tế cao, hằng năm có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng và giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác về con giống để phát triển kinh tế.

Phát huy lợi thế của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuần nông, thời gian qua, nuôi bò thịt đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả được người dân huyện Hồng Ngự chú trọng.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới cải tiến đang mang lại hiệu quả cho bà con nông dân ở nhiều địa phương. Áp dụng mô hình này, bà con không cần một hệ thống nhà kính, nhà lưới kiên cố để trồng dưa, đồng thời lại rất cơ động và hạn chế thấp nhất dịch bệnh hại cây. Nhờ vậy, giúp người trồng giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Dong riềng trồng để lấy củ dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến như: chế biến tinh bột, miến và các sản phẩm khác. So với một số cây trồng, dong riềng có sức sống mạnh, có khả năng thích nghi cao với điều kiện ngoại cảnh và chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh. Hơn nữa, dong riềng còn là cây trồng dễ tính, có thể trồng ở ruộng sản suất hoặc có tận dụng đất vườn nhà mà vẫn cho năng suất củ.

Dự báo đến năm 2015, Đà Lạt phải phát triển khoảng 2.500ha diện tích khoai tây (năng suất trung bình trên dưới 25 tấn/ha) mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài địa phương.