Ông Chủ Của 80.000 Con Gà Tre

Gà tre tương đối dễ nuôi hơn các loại gia cầm khác, nhưng trong quá trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm chủng phòng bệnh cho đàn gà.
Với mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học, cơ sở chăn nuôi Hương Việt, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang) đã thành công trong việc đưa gà tre đặc sản vào nuôi thương phẩm.
Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của một vài người bạn, năm 2006, anh Nguyễn Thanh Liêm, chủ cơ sở bắt đầu nuôi thử nghiệm vài chục con gà tre với mục đích bảo tồn, lưu giữ giống gà tre quý hiếm.
Thời gian đầu, để có được nguồn con giống, anh Liêm đã phải lặn lội khắp nơi, từ Tây Ninh, Bình Dương, cho đến tận Tân Châu của tỉnh An Giang để sưu tầm, chỗ nào có gà tre giống là anh sưu tầm mang về lai tạo, chọn lọc ra giống gà tre thuần chủng. Sau này, khi thấy gà tre phát triển rất tốt, anh Liêm đã quyết định chuyển sang nuôi kinh doanh gà tre thịt.
Tận dụng gần 3.500 m2 đất vườn quanh nhà, năm 2007, anh Liêm mạnh dạn đầu tư chuồng trại để nuôi gà tre với số lượng ban đầu khoảng 1.000 con. Đến năm 2009 anh quyết định thành lập cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt. Đây là đơn vị chuyên nuôi gà tre theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp đầu tiên của cả nước.
Do gà tre là đối tượng chăn nuôi khá mới mẻ và người tiêu dùng chưa quen, nên sản phẩm bán ra thời gian đầu gặp nhiều khó khăn: “Nuôi đươc thành công lứa gà thương phẩm đầu tiên đã khó, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định cho nó càng khó hơn.
Để bán được gà, tôi phải kiên trì đi đến tận các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm. Để cạnh tranh, tiếp cận thị trường, tôi đành chấp nhận bán ngang ngửa giá với các loại thịt gà khác nên lứa gà thương phẩm đầu tiên bị lỗ chút vốn”, anh Liêm nói.
Một thời gian sau, sản phẩm thịt gà tre ngày càng được thị trường ưa chuộng nên anh Liêm đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín từ khâu con giống, ấp nở, nuôi, đến giai đoạn thương phẩm, giết mổ và đóng gói.
Bên cạnh đó, anh Liêm cũng không ngừng mở rộng hệ thống vệ tinh chăn nuôi trong vùng bằng cách ký kết các hợp đồng nuôi gia công với 21 cơ sở trong vùng.
Sau thời gian kiên trì, đến nay, anh Liêm đã gây dựng được trang trại chăn nuôi gà tre an toàn sinh học bề thế, với tổng đàn khoảng 80.000 con, trong đó gà bố mẹ là 8.000 con.
Trong năm 2014, cơ sở của anh Liêm đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thịt gà tre thương phẩm với hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc. Trong năm tới, anh Liêm dự tính sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi với tổng đàn lên đến 200.000 con gà tre
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, trang trại chăn nuôi của anh Liêm xuất bán khoảng 700 - 800 con gà tre đã qua giết mổ đóng gói và gà tre thịt chưa qua giết mổ.
Với giá bán hơn 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm anh thu hơn 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi gà tre an toàn sinh học. Bên cạnh đó, các hộ tham gia theo hình thức nuôi gia công cũng có thu nhập mỗi năm từ 50 – 150 triệu đồng.
Theo anh Liêm, gà tre tương đối dễ nuôi hơn các loại gia cầm khác, nhưng trong quá trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm chủng phòng bệnh cho đàn gà.
Để chăn nuôi thành công, anh tranh thủ tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi gà tre an toàn sinh học qua sách báo, xem đài... Đặc biệt, năm 2012, trang trại của anh bắt đầu sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để hạn chế mùi hôi và ô nhiễm môi trường, gà ít bệnh hơn. Anh cho biết, gà tre được cho ăn thức ăn công nghiệp, sau 4 tháng nuôi, gà được xuất chuồng, với trọng lượng từ 0,5 – 0,7 kg/con.
Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện Tánh Linh về sản xuất lúa chất lượng cao vụ đông xuân 2012 - 2013, UBND huyện đã triển khai trên diện tích là 1.000 ha, phân bổ cho 9 xã và một thị trấn (trừ Măng Tố, La Ngâu, Suối Kiết, Gia Huynh). UBND huyện Tánh Linh đã chỉ định 2 đơn vị cung ứng giống là HTX NNII Đức Phú và Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố.

Dưa hiện đang cho thu hoạch, năng suất đạt 4 - 5 tạ/sào, giảm 3 - 4 tạ, giá bán từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với năm trước. Nông dân thua lỗ 3 - 4 triệu đồng/sào.

Các hộ tham gia thực hiện mô hình được được hỗ trợ 100% con giống; 30% thức ăn và hóa chất, chế phẩm sinh học. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình là 124,5 triệu đồng.

Một diện tích ngô hàng hóa khá lớn tại thôn Tả Thàng, Sì Khà Lá và Sú Dí Phìn xã Tả Thàng, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã bị sâu ăn trụi lá chỉ trong 2 đến 3 ngày.

Thời gian qua, có rất nhiều hội nghị bàn giải pháp “cứu” ngành công nghiệp cá tra, tuy nhiên đến nay mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Và thực tế buồn là giá cá tra vẫn tiếp tục lao dốc, chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg.