Ông Cao Văn Ghê Làm Giàu Từ Nuôi Cá Và Ba Ba

Vài năm trở lại đây, việc sản xuất theo hình thức độc canh con tôm hoặc cây lúa đã không còn hiệu quả. Do vậy, nhiều nông dân đã thay đổi cách thức sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất đa canh, đa con, trong đó có mô hình nuôi cá và ba ba.
Với diện tích 5.000m2 đất, hộ ông Cao Văn Ghê (ấp 1, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai - Bạc Liêu) áp dụng mô hình nuôi cá và ba ba. Từ mô hình này, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông Ghê thu lãi hơn 300 triệu đồng và có cuộc sống khá giàu.
Ông Ghê nuôi cá đã hơn 11 năm. Trên cùng một diện tích đất (5.000m2), ông nuôi rất nhiều loại cá như: cá phi, cá trê, cá bống tượng, cá tra, cá sặc bổi…
Ngoài ra, ông Ghê còn tận dụng đất xung quanh nhà xây bể nuôi ba ba. Các bể nuôi của ông hiện có trên 1.000 con ba ba, trong đó có cả ba ba bố mẹ và ba ba thương phẩm. Hiện nay, ba ba có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg/con, được bán với giá 450.000 đồng/kg.
Ông Ghê chia sẻ về cách chăm sóc ba ba: “Nuôi ba ba, cần chú ý thay nước định kỳ và không để đáy ao bị bẩn. Thức ăn của ba ba chủ yếu là cá tạp và thức ăn công nghiệp, chú ý rửa sạch thức ăn trước khi cho ba ba ăn. Mỗi ngày cho ba ba ăn 1 lần và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với số lượng, tránh để thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước. Nên thả những loại cá ăn tảo, bùn nuôi chung với ba ba để chúng lọc chất thải của ba ba. Tôi đang tập trung đầu tư sản xuất ba ba thịt và con giống để cung ứng cho nhu cầu thị trường”.
Sản xuất theo mô hình đa canh, đa con không chỉ đem lại nguồn thu quanh năm cho nông dân, mà còn giảm được chi phí sản xuất. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng mô hình này. Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng cho bà con.
Có thể bạn quan tâm

Cùng đồng lòng xây dựng HTX Lộc Phát ở xã Phú Hội, Đức Trọng, hơn chục hộ nông dân đã tạo nên một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ 2 sản phẩm chủ lực là nấm bào ngư và xà lách xoong. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Lộc Phát đang trên đường cải thiện thu nhập cho từng hộ gia đình thành viên.

Ngày 7/7, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) tiến hành thả nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong ao đất tại hộ ông Huỳnh Thanh Hoài ở thôn Phú Long, xã An Mỹ. Đây là mô hình được chọn làm điểm trình diễn, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm cho nông dân có nhu cầu nuôi loại cá này.

Cánh đồng cấy lúa, trồng màu thôn Hòa An, xã Hợp Đức (Tân Yên) rộng hơn 1 ha động mưa là ngập. Chị Nguyễn Thị Trường, người dân trong thôn cho biết: “Trước đây, tiêu nước cho cánh đồng là cả vùng trũng rộng. Thế nhưng từ năm 2008, lưu vực này được giao cho người dân thầu ao nuôi cá nên chỉ còn một rãnh nhỏ thoát nước. Cống tiêu lại đặt ở vị trí ngang bằng với mực nước trong ao nên mỗi khi mưa xuống nước ứ đọng, dềnh vào ruộng. Từ đó đến nay, các hộ chỉ cấy ăn chắc vụ lúa xuân còn lúa mùa thì phụ thuộc vào thời tiết”.

Cũng theo quy định này, các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, 24 tháng liền không sử dụng mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; không thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê mặt nước; không thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... sẽ bị thu hồi mặt nước đã giao.

Chỉ mất 30 phút, người sử dụng có thể phát hiện thịt, cá có nhiễm dư lượng kháng sinh (DLKS) hay không nhờ bộ kit Elisa. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu công nghệ cao TPHCM.