Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ôm hận vì thương lái Trung Quốc

Ôm hận vì thương lái Trung Quốc
Ngày đăng: 20/04/2015

Theo phản ánh của nhiều chủ đại lý thu mua hồ tiêu, có thời điểm, các thương lái Trung Quốc ồ ạt đặt hàng với giá cao hơn trị trường từ 3.000 - 10.000 đồng/kg. Thậm chí, tiêu lép cũng được thu mua với giá gần bằng tiêu chắc, còn tạp chất của tiêu được mua với giá 15.000 đồng/kg.

“Ôm” tiêu... đợi giá

Chị N., chủ doanh nghiệp nông sản H.P. (xã Ea Hur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết cách đây khoảng 3 tuần, giá tiêu trên mạng khoảng 180.000 đồng/kg nhưng giá trong vùng lên đến 190.000 đồng/kg. Lúc đó, nghĩ do mất mùa, sản lượng giảm sút, cung không đủ cầu nên giá lên, chị chấp nhận mua giá cao để chờ cơ hội.

“Có nhiều người tới đặt hàng bụi tiêu (gồm các tạp chất như bụi đất, lá, núm tiêu...) với giá khoảng 15.000 đồng/kg và tiêu lép (loại 3) với giá gần bằng tiêu chắc (loại 1) nên tôi cũng cố gắng đi thu mua về trữ bán dần. Không hiểu sao khoảng 1 tuần trở lại đây không thấy bóng dáng các thương lái thu mua tiêu lép và bụi tiêu. Với giá như hiện nay, chỉ tính riêng 50 tấn tiêu lép, chúng tôi đã lỗ trên 500 triệu đồng. Đó là chưa kể 20 tấn bụi tiêu đang nằm trong kho đã gần cả tháng” - chị N. lo lắng.

Theo ông Hồ Hữu Hải, chủ DNTN DV Hải Dung (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), thời gian gần đây xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 5.000đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp trong vùng không mua được hàng, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký trước đó.

“Điều đáng lo ngại là điệp khúc giá tiêu tăng vọt xảy ra trong ít ngày rồi lại xuống thấp diễn ra trong một thời gian ngắn khiến thị trường rối loạn. Hiện doanh nghiệp còn tồn rất nhiều tiêu lép và bụi tiêu nhưng các đầu mối ngưng thu mua khiến chúng tôi đứng ngồi không yên” - ông Hải than thở.

Điều tra làm rõ động cơ, mục đích

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, thị trường hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất “nóng”. Có thời điểm, các thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán với giá cao hơn giá trị trường. Hậu quả là các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính không mua được hàng phải chịu thiệt hại lớn.

Qua nắm tình hình, Sở Công Thương nhận thấy có tình trạng thương lái Trung Quốc tung chiêu bài mua bán xoay vòng để hưởng lợi khiến giá hồ tiêu rối loạn. Ông Dương nêu ví dụ: “Cách đây khoảng 3 tuần, họ mua sẵn 1 lô hàng khoảng 100 tấn với giá 175.000 - 180.000 đồng/kg.

Sau đó, họ đến đại lý A đặt mua 1 lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc một ít với yêu cầu “gom nhanh, lấy ngay”. Tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg. Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên cao, họ không tới lấy hàng, chấp nhận mất tiền cọc và tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có”.

Ông Dương cho biết dù lỗ nặng nhưng sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên các doanh nghiệp không báo cho cơ quan chức năng khiến việc giám sát những thương lái Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Sắp tới, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức cuộc họp với chủ các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản và đề nghị họ thông báo ngay khi thị trường có những biến động lớn về giá cả.

“Sau khi tiếp nhận, sở sẽ cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan thuế, công an điều tra xem có tình trạng gian lận thương mại, phá hoại không để có hướng xử lý” - ông Dương nói.

Theo ông Dương, tình trạng nêu trên cũng từng xảy ra với nhiều mặt hàng khác. “Có những thời điểm cà phê chỉ 35.000 đồng nhưng họ thu mua với giá 45.000 đồng. Hậu quả là chúng ta chịu thiệt hại với nhau, còn lợi nhuận thì họ cầm đi mất” - ông Dương băn khoăn.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Đến Cung Ứng Giống Tôm Càng Xanh Cho Vùng Đổng Bằng Sông Cửu Long Hướng Đến Cung Ứng Giống Tôm Càng Xanh Cho Vùng Đổng Bằng Sông Cửu Long

Tôm càng xanh là một trong những đối tượng nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL. Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, nguồn tôm giống chất lượng để phục vụ yêu cầu mở rộng diện tích nuôi vẫn chưa đảm bảo.

03/06/2013
Cây Sơ Ri Trên Đất Cù Lao Cây Sơ Ri Trên Đất Cù Lao

Những ngày này về thăm cù lao Chợ Mới (An Giang), dễ thấy những vườn dọc tuyến đường sơ ri trĩu trái, xanh, đỏ dọc bên vệ đường; xa xa vài chị áo vàng, áo tím nghiêng mình, hai tay thoăn thoắt hái trái cho kịp chuyến hàng chở sang Campuchia.

25/06/2013
Triển Vọng Cây Ổi Xá Lị Không Hạt Triển Vọng Cây Ổi Xá Lị Không Hạt

Kết quả trồng thử nghiệm giống ổi xá lị không hạt ở xã Hiệp Cát, Hiệp Lực (Hải Dương) cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, quả dài, vị ngọt...

03/06/2013
Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Gà Đẻ Siêu Trứng Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Gà Đẻ Siêu Trứng

Trong những năm qua nhờ chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với thả cá và đã giàu lên nhanh chóng. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành.

25/06/2013
Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh Nắng Nóng, Nhiều Loại Sâu Bệnh Phát Sinh

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.

03/06/2013