Ổi Lê Đài Loan Mô Hình Mới Cho Thu Nhập Cao

Với ưu điểm trái ngon, nhanh cho thu hoạch, giá cả và thị trường đầu ra hấp dẫn, cho thu nhập cao, nên có không ít nông dân xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đang chọn cây ổi lê Đài Loan trồng thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đây được xem là mô hình điểm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trước đây, gần 2 công đất vườn tạp của ông Ngô Tấn Hùng, ở ấp 2, xã Vị Thủy chủ yếu trồng chuối, nhưng nguồn thu nhập từ loại cây này chẳng là bao. Tình cờ, được người quen ở Sóc Trăng giới thiệu về giống ổi lê Đài Loan rất dễ trồng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy, đây là loại cây trồng mới, nên ông Hùng đã quyết định phá bỏ vườn chuối để chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan. Ban đầu, ông chỉ trồng thử vài chục nhánh, sau thời gian thấy có hiệu quả nên vườn ổi của ông hiện nhân rộng lên 400 nhánh, trên diện tích 1,5 công đất, hướng tới sẽ mở rộng ra toàn bộ 2 công vườn tạp của gia đình.
Ông Hùng cho biết: “Đây là giống ổi mới, dễ trồng, ít tốn phân bón, công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu là định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp. Cây ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm, bà con có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm.
Đặc biệt, rất thích hợp cho những hộ muốn có nguồn thu nhập nhanh, bởi ổi từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 6 tháng. Đây là mô hình phù hợp cho những hộ nghèo, ít đất sản xuất, có ý chí vươn lên thoát nghèo”.
Với 400 gốc ổi lê Đài Loan, mỗi ngày gia đình ông Hùng thu hoạch từ 20-30kg trái, giá bán 12.000-15.000 đồng/kg, cho nguồn thu nhập từ 300.000-400.000 đồng, nếu tính cả năm thì mức lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng. Hiện có không ít thương lái ở nhiều nơi đến đặt mua ổi, nhưng do số lượng ít nên ông Hùng chủ yếu bán lẻ tại nhà.
Ông Hùng chia sẻ: “Hiện gia đình hái ổi ngày nào là bán cho bà con hết ngày đó, có hôm còn không đủ bán nên có đâu mà cân cho thương lái. Nhờ cây ổi mà gần 2 năm nay, cuộc sống gia đình tôi khỏe hơn rất nhiều”.
Ưu điểm của trái ổi lê Đài Loan là vỏ láng, thịt màu trắng, nhiều nước, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng; trọng lượng trái lớn, bình quân từ 3-4 trái/kg. Theo ông Hùng, muốn ổi đạt chất lượng cao, cho trái to cần phải chăm bón từ lúc mới ra hoa, thường xuyên vun gốc và xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời cắt đi những cành lá sát chân gốc nhằm tạo sự thông thoáng cho cây và giúp cây nuôi trái; khi trái ổi to khoảng 5cm, nên dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nylon bọc bên ngoài để trùm trái lại. Kỹ thuật này nhằm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục trái gây hại cho ổi. Khoảng 2 tháng sau khi bọc trái, bà con có thể thu hoạch.
Nhờ cần mẫn chăm sóc, nên vườn ổi của gia đình ông Hùng lúc nào cũng xanh tốt, không bị sâu bệnh và cho trái quanh năm. Nhận thấy hiệu quả cây ổi lê Đài Loan mang lại, một số hộ dân trong và ngoài xã cũng đang bước đầu học hỏi kinh nghiệm trồng ổi của ông Hùng.
Để đáp ứng nhu cầu cây giống cho bà con, ngoài việc thu hoạch từ trái ổi, hiện ông Hùng còn chiết nhánh bán và tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng như thế nào để đạt hiệu quả. Với giá bán 10.000 đồng/nhánh, ước lần cắt nhánh tới đây, gia đình ông thu được trên 5 triệu đồng.
Theo UBND xã Vị Thủy, với những hiệu quả đem lại từ trái ổi lê Đài Loan nên từ 1 hộ trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, toàn xã có khoảng 5-6 hộ trồng, với diện tích gần 1ha, chủ yếu ở ấp 2. Ông Phan Văn Tổng, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho hay: Hiện toàn xã có gần 80ha diện tích vườn tạp cần được cải tạo để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế.
Qua công tác tuyên truyền vận động, hiện nhiều người dân đã ý thức trong vấn đề cải tạo vườn tạp và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới, điển hình như: mô hình ổi lê Đài Loan, trồng chanh không hạt, dừa xiêm lùn, thanh long ruột đỏ,…
Riêng mô hình ổi lê Đài Loan bước đầu đã khẳng định được tiềm năng của giống ổi mới trên vùng đất nơi đây. Mặc dù, đây là đối tượng cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, nhưng người dân cần quan tâm đến quy luật cung cầu khi nhân rộng mô hình.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: Vụ cá Bắc năm 2013 – 2014 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường; giá xăng, dầu tiếp tục tăng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản; giá bán các sản phẩm khai thác không tăng; tình hình an ninh trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí thông báo kết quả xác minh việc thương nhân Trung Quốc thu gom các loại nông, lâm sản và "những mặt hàng khác lạ"... sau khi yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát.

Sáng nay 30-3, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam và triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản”.