Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ồ Ạt Trồng Thanh Long Ruột Đỏ

Ồ Ạt Trồng Thanh Long Ruột Đỏ
Ngày đăng: 03/08/2013

Gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ vì giá bán cao, lời nhiều. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ tăng nhanh. Tuy nhiên, đầu ra của loại trái cây này ra sao thì hầu hết người trồng rất mù mờ.

Thanh long ruột đỏ được trồng nhiều ở huyện Xuân Lộc và Trảng Bom, hiện diện tích đã lên đến gần 200 hécta. Giá thanh long ruột đỏ được nhiều người ví như giá vàng vì tăng giảm thất thường, có khi đầu tuần giá 50 ngàn đồng/kg, nhưng giữa tuần xuống còn hơn 20 ngàn đồng/kg và cuối tuần lại tăng lên trên 30 ngàn đồng/kg.

Diện tích tăng mạnh

Khu vực có thanh long ruột đỏ phát triển nhanh nhất là xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Chỉ trong gần 3 năm, diện tích thanh long ruột đỏ ở đây từ vài hécta đã tăng lên gần 100 hécta và sẽ tiếp tục tăng. Sở dĩ người dân lao vào trồng thanh long ruột đỏ là vì cây trồng này đang cho lãi “khủng”, khoảng 400 - 600 triệu đồng/hécta/năm.

Anh Nguyễn Quốc Anh ở ấp 2A, xã Xuân Hưng, nói: “Trước đây, tôi trồng điều thu nhập chỉ 20 - 30 triệu đồng/hécta/năm. Nhưng cách đây gần 3 năm, tôi chặt bỏ điều chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ, lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/hécta/năm”. Nhưng anh Quốc Anh cũng cho biết thêm, đầu tư ban đầu cho cây thanh long ruột đỏ khá lớn, khoảng hơn 200 triệu đồng/hécta, chưa kể cây thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật rất cao trong quá trình chăm sóc. Chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu vuốt tai cho trái cũng có thể bỏ đi cả đợt quả.

Chị Nguyễn Thị Hiền (ấp 3, xã Xuân Hưng), cho biết: “Tôi trồng điều năng suất cũng khá, khoảng 3 tấn/hécta/năm, nhưng tôi vẫn chặt bỏ để trồng thanh long ruột đỏ. Hiện diện tích trồng thanh long ruột đỏ của gia đình tôi hơn 2 hécta. Tới đây, nếu vay thêm được vốn, tôi sẽ chuyển hết hơn 5 hécta điều còn lại sang trồng thanh long ruột đỏ”.

Theo ông Phạm Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hưng, cuối năm 2012 diện tích trồng thanh long ruột đỏ của xã mới hơn 50 hécta nhưng đến nay đã tăng gấp đôi.

Chưa rõ đầu ra

Các hộ đã trồng thanh long ruột đỏ bán cho biết, đầu ra của loại trái này chủ yếu vẫn qua thương lái nhỏ lẻ. Chỉ một số hộ có diện tích lớn, sản lượng nhiều mới bán trực tiếp cho các công ty ở tỉnh Bình Thuận. “Thanh long của tôi hầu hết bán cho thương lái. Giá bán tăng giảm thất thường, cũng có khi hôm nay vào mua với giá 30 ngàn đồng/kg, nhưng 2 - 3 ngày sau chỉ còn 25 ngàn đồng/kg” - ông Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho biết.

Anh Nguyễn Quốc Anh cũng thừa nhận: “Tôi bán hàng trực tiếp cho công ty nhưng mỗi ngày báo giá một khác, cũng có khi chỉ cách nhau vài ngày mà giá thanh long chênh đến hơn 20 ngàn đồng/kg. Hỏi công ty thì họ nói đợt nào hàng ít giá cao, còn hàng nhiều giá giảm”. Theo tính toán của các hộ trồng thanh long ruột đỏ, giá thanh long từ 10 ngàn đồng/kg trở lên là nông dân có lời.

Bà Đinh Thị Kiên, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiên Kiên (tỉnh Bình Thuận), doanh nghiệp chuyên mua thanh long ruột đỏ xuất khẩu với số lượng lớn, cho biết: “Thanh long ruột đỏ được công ty mua một số xuất khẩu sang Canada, Thái Lan và Trung Quốc, song thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Nguồn hàng xuất khẩu hiện nay khá dồi dào, nếu nông dân cứ ồ ạt tăng diện tích, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa”. Bà Kiên cũng nhấn mạnh thêm, thanh long ruột đỏ khó bảo quản và thị trường tiêu thụ không rộng rãi như thanh long ruột trắng.

Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, không chỉ cây thanh long ruột đỏ mà các cây trồng khác cũng rất cần các bộ, ngành trung ương có điều tra tổng thể chính xác diện tích, sản lượng của các tỉnh, kế đến là thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từ đó khuyến cáo loại cây trồng nào nên phát triển và loại cây nào không nên phát triển. Có như vậy, các tỉnh mới có thể hướng dẫn nông dân chọn cây trồng phù hợp để có đầu ra ổn định


Có thể bạn quan tâm

Hội nhập khiến nông nghiệp không còn đường lùi Hội nhập khiến nông nghiệp không còn đường lùi

Trong khi trân trọng những tiến bộ và thành tựu đã đạt được, cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật đau lòng là phần lớn nông, lâm, thủy sản của nước ta là những sản phẩm thô hay sơ chế, giá trị gia tăng còn hạn chế, chất lượng thấp và không đồng đều.

07/09/2015
Phân bón sẽ có mặt bằng giá mới, lợi cho nhà sản xuất nội địa Phân bón sẽ có mặt bằng giá mới, lợi cho nhà sản xuất nội địa

Theo Bộ Công Thương, thị trường phân bón thời gian tới sẽ xác lập một mặt bằng giá mới với xu hướng thuận lợi cho các nhà sản xuất phân bón nội địa.

07/09/2015
Trấn Yên (Yên Bái) Phát Triển Vùng Cây Ăn Quả Có Múi Trấn Yên (Yên Bái) Phát Triển Vùng Cây Ăn Quả Có Múi

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên, các loại cây ăn quả có múi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số xã vùng cao như: Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca… Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ xây dựng Đề án phát triển vùng cây ăn quả có múi để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người nông dân từng bước làm giàu.

10/02/2015
Việt Nam 40 năm chưa qua khỏi cánh đồng? Việt Nam 40 năm chưa qua khỏi cánh đồng?

Bốn mươi năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới cơ chế quản lý, mà chúng ta đi không qua khỏi cánh đồng là do tư duy và nền quản trị quốc gia có những vấn đề chưa tương thích?

07/09/2015
Bất thường việc thương lái Trung Quốc mua cau non Bất thường việc thương lái Trung Quốc mua cau non

“Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm và chuộng cau non. Cau non mua được giá, tới 16.000 đồng/kg. Tui mua đem sấy rồi bán đưa sang bên Trung Quốc tiêu thụ. Bây giờ thì giá vậy, nhưng không biết sau này thương lái Trung Quốc có hạ giá xuống không nữa”, bà Nguyễn Thị Kim Ánh - chủ cơ sở thu mua, hấp cau tại Quảng Ngãi - bày tỏ lo lắng.

07/09/2015