Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ồ ạt chặt bỏ cam sành

Ồ ạt chặt bỏ cam sành
Ngày đăng: 04/05/2015

Đây chính là hệ lụy từ quá trình sản xuất mang tính tự phát của người dân gây ra. Theo ngành chức năng, vì hiệu quả kinh tế cao nên người dân “đua nhau” mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về trồng, chưa kể là khâu làm đất, chăm sóc không đúng kỹ thuật làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh và nhanh chóng lan rộng.

Hàng ngàn héc-ta đã bị đốn hạ

Huyện Châu Thành, “thủ phủ” của vườn trái cây có múi, kể cả cam sành đang chịu ảnh ảnh nặng nề nhất, với diện tích bị bệnh vàng lá gân xanh khoảng 4.000 ha. Trong đó, số vườn cam sành bị nhiễm ở mức độ nặng gần 3.500 ha, tương đương tỉ lệ 70% so với tổng diện tích gần 5.000 ha trên địa bàn huyện. Vì thế mà hàng loạt hộ dân ở các địa phương trong huyện phải “cắn răng” đốn hạ vườn cam sành đã vô phương cứu chữa. Theo ước tính của ngành chuyên môn Châu Thành, kể từ khi dịch bệnh vàng lá gân xanh bùng phát mạnh cho đến nay, người dân trên toàn huyện đã đốn hạ hơn 2.700 ha cam sành bị bệnh nặng, mất khả năng sinh lợi.

Mới đây, hộ ông Trần Văn Cương, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, đành phải “bóp bụng” đốn bỏ nguồn thu nhập chính của gia đình mình từ vườn cam sành mới cho trái được khoảng 3 năm vì bệnh vàng lá gân xanh tấn công. Nếu tính sơ bộ chi phí mua cây giống, phân, thuốc, công chăm sóc vườn cây bấy lâu nay thì ông Cương đã bị thiệt hại vài chục triệu đồng. Ông Cương, bày tỏ: “Mấy năm trước vì cam được giá nên tôi đã đốn bỏ hết mấy trăm gốc bưởi, chuyển sang trồng cam sành. Vốn liếng bỏ hết vào miếng vườn gần 4 công đất nhưng thu hoạch được chừng 3 vụ thì cây bắt đầu vàng lá, trái rụng dần, còn rễ thì thúi sạch chơn”.

Trường hợp của ông Cương còn đở hơn so với nhiều bà con khác trên địa bàn xã Phú Hữu. Khi mà vườn cam sành của gia đình chỉ mới thu hoạch vụ đầu tiên, thậm chí là chuẩn bị cho trái cũng buộc phải đốn bỏ, dẫn đến mất trắng khoản tiền lớn mà chẳng biết cầu cứu vào ai. Ông Lê Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu, nhận định: Sự chuyển đổi sang cam sành diễn ra rất nhanh và trở thành phong trào tự phát. Nhiều nông dân tuy chưa nắm vững quy trình kỹ thuật canh tác nhưng đã tự ý mua giống trôi nổi về trồng. Từ những chuyện tưởng chừng đơn giản đó nhưng nó lại là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đáng tiếc như ngày hôm nay.

Không nên mở rộng thêm diện tích

Tổng diện tích cam sành hiện có trên địa bàn thị xã Ngã Bảy ở vào khoảng 2.700ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã nông thôn mới Tân Thành và Đại Thành. Thế nhưng, dịch vàng lá gân xanh đã trực tiếp gây ảnh hưởng khoảng 1.300ha. Thông tin từ Trạm Bảo vệ Thực vật thị xã Ngã Bảy, đến nay, người dân đã đốn hạ trên 250 ha cam sành bị nhiễm bệnh nặng, tỉ lệ từ 70% trở lên. Hiện diện tích cam sành bị nhiễm bệnh nặng trên địa bàn thị xã gia tăng từng ngày và đã vượt mốc 360ha. Do đó, tình trạng đốn hạ vườn cam sành vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới vì loại bệnh nguy hiểm này chưa có thuốc phòng trị hữu hiệu.

Ông Lê Văn Trận, Trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật thị xã Ngã Bảy, cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, lực lượng chuyên môn của thị xã phối hợp cùng với các địa phương thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên đốn bỏ những diện tích bị nhiễm bệnh nặng, từ 70% trở lên, đồng thời tiến hành cắt tỉa và tiêu hủy triệt để những nhánh cây trong vườn bị nhiễm nhẹ, góp phần cách ly mầm bệnh. Đồng thời, không nên tiếp tục trồng mới, nhất là trên nền đất vườn cam bị bệnh vừa bị tiêu hủy trước đó vào thời điểm này nhằm tránh dịch bệnh vàng lá gân xanh bùng phát mạnh, và gây thiệt hại nặng nề thêm.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, thừa nhận: Đến nay, kể cả thế giới và Việt Nam vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh vàng lá gân xanh. Cho nên khi tiêu hủy rồi, nhà vườn nên tiến hành cải tạo lại đất để chuyển sang canh tác cây trồng có giá trị kinh tế khác trong thời gian ngắn. Rồi sau đó mới bắt đầu xử lý và cân nhắc kĩ trước khi trồng lại cam sành để tránh thiệt hại nhiều hơn. Ngoài ra, ngành chuyên môn chúng tôi cũng đã triển khai xây dựng mô hình trồng cam sành mật độ thưa xen với một số cây trồng khác để ứng phó với dịch vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội ở khắp nơi trong tỉnh”.

Hiện nay, ngành chức năng ở các địa phương trong tỉnh đang tính đến chuyện lập danh sách thống kê lại diện tích cam sành nhiễm bệnh nặng và đã bị người dân đốn hạ để có mức hỗ trợ theo quy định, khoảng 500.000 đ/ha. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều cảm thấy không mặn mà với mức hỗ trợ tương đối thấp này so với khoản lợi nhuận “khủng”, có khả năng lên đến 1 tỉ đồng/năm mà mỗi héc-ta cam sành mang lại cho gia đình họ.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển Đổi Cơ Cấu Giống Cây Trồng Ở Khâu Piai Chuyển Đổi Cơ Cấu Giống Cây Trồng Ở Khâu Piai

Theo chân anh Dũng - cán bộ xã Mậu Duệ (yên Minh), chúng tôi vượt qua gần 5km đường núi quanh co với độ dốc lớn từ trung tâm xã đến Khâu Piai, một thôn vùng cao của xã Mậu Duệ. Những năm gần đây, nhờ sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, năng suất lúa, ngô đã tăng đáng kể; sản lượng lương thực ngày một cao, đời sống của người dân cũng đỡ vất vả hơn.

22/07/2014
Kỹ Thuật Thu Hoạch Dông Con Kỹ Thuật Thu Hoạch Dông Con

Sau những chuyến đi chơi ở Bắc Bình và nhận thấy địa phương này có nhiều hộ nuôi dông sinh sản, tuy nhiên khâu thu hoạch dông con gặp phải những khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, anh Ngô Viết Năng đã về bàn bạc cùng các anh Tôn Văn Bảo, Trần Văn Nhân thuộc khu phố 2, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết tìm ra một giải pháp thu hoạch mới.

22/07/2014
Cây Nấm Cục Giá 1,3 Tỷ Đồng Cây Nấm Cục Giá 1,3 Tỷ Đồng

Nấm cục trắng là loài hiếm thấy, lớn lên ở Italy và có kích thước thông thường bằng quả óc chó. Đây là một loại thực phẩm được ưa chuộng, các món ăn chứa thành phần nấm cục trắng thông thường có giá hàng trăm USD. Người phát hiện ra cây nấm cục "khổng lồ" này cho biết nó nằm sâu dưới lòng đất 4 inches (10cm).

08/12/2014
Tiếp Cận Giá Mía Khu Vực Tiếp Cận Giá Mía Khu Vực

Brazil có giá thành mía vào loại thấp nhất 12 USD/tấn nhờ tạo ra được 12 tấn đường/ha; Thái Lan 25 USD/tấn mía, 8 tấn đường/ha; trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 5,4 tấn đường/ha nên giá thành mía lên đến 50 USD/tấn.

22/07/2014
Xuất Khẩu Gạo Sẽ Cạnh Tranh Gay Gắt Xuất Khẩu Gạo Sẽ Cạnh Tranh Gay Gắt

Theo đánh giá của Tổ điều hành xất khẩu gạo, các nước nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu, một số thị trường trọng điểm truyền thống cũng tiếp tục giao dịch. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,1% thị phần.

08/12/2014