Nuôi vịt trời cho thu nhập cao

Về xã Quỳnh Thanh hỏi thăm gia đình anh Hồ Xuân Lý ở xóm 11 thì hầu hết người dân đều tỏ ra nể phục về việc đầu tư chăn nuôi vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Nhìn ngôi nhà 3 gian khang trang, nội thất đầy đủ khiến chúng tôi khâm phục về một người nông dân dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế như hiện nay. Anh Lý cho biết: Nhân duyên đưa anh đến với mô hình chăn nuôi vịt trời là năm 2012, anh đọc trên Internet có bài viết về hiệu quả mô hình nuôi vịt trời ở tỉnh Bắc Giang.
Nhận thấy giống vịt trời dễ nuôi, mà giá trị kinh tế lại cao nên anh Lý đã quyết định bắt xe ra Bắc Giang để mua 60 con vịt giống với giá 80 nghìn đồng/con về nuôi. Với 500m2 đất trống ở gia đình, anh thả nuôi và nhân giống vịt trời thành công. “Trước khi chăn nuôi vịt trời, tôi làm đủ nghề nhưng không phát triển được, cuộc sống bấp bênh.
Từ khi đưa giống vịt trời về nuôi tại gia đình, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập từ mô hình nuôi vịt trời ổn định, bà con láng giềng cũng có việc làm nhờ áp dụng mô hình này” - anh Lý chia sẻ.
Anh Hồ Xuân Lý bên trại nuôi vịt trời.
Hiện nay, trong trại nuôi vịt trời của anh Lý có hơn 300 con vịt nhỏ, hơn 100 con vịt sinh sản. Anh Lý cho biết, vịt trời có sức đề kháng tốt nên rất ít bị bệnh dịch, nhất là nuôi theo đàn nhỏ cỡ vài chục con.
Nuôi vịt trời có giá trị kinh tế cao bởi vì thời gian xuất chuồng ngắn, khoảng 80 ngày là có thể xuất bán, giá cao gấp 3 lần vịt nhà. Bình quân 1 con vịt trời thương phẩm có trọng lượng hơn 1kg, giá bán ra thị trường 140-160 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, vịt trời tiêu thụ lượng thức ăn ít nên đỡ tốn chi phí thức ăn. Vịt mới nở thường cho ăn cám, khoảng 20 ngày tuổi bổ sung thêm rau, ăn thêm chất tinh bột; hơn 1 tháng sau thì bắt đầu cho ăn lúa, ngô. Để nuôi được vịt trời, anh Lý phải dùng lưới giăng kín xung quanh và phía trên tránh vịt bay.
Hiện tại, với hơn 100 con vịt sinh sản, mỗi tuần gia đình anh xuất bán ra thị trường 300 - 400 con vịt giống, với giá 40 nghìn đồng/con. Ngoài ra, còn xuất bán từ 200 - 300 con vịt thương phẩm cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy mô hình nuôi vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân địa phương đã tìm đến gia đình anh để mua con giống về nuôi. Đến nay, trên địa bàn có hơn 20 hộ nuôi giống vịt trời do anh cung cấp.
Anh Nguyễn Văn Hưng, ở xóm 10 cho biết: “Khi mua giống vịt trời của gia đình anh Lý, chúng tôi được anh truyền đạt về cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi. Vịt trời dễ nuôi, nhưng nếu không chăm sóc đúng quy trình thì chậm lớn, kém hiệu quả. Từ nuôi vịt trời, gia đình tôi có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng”.
Ông Hồ Xuân Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh đánh giá: “Mô hình chăn nuôi vịt trời của gia đình anh Hồ Xuân Lý là mô hình đầu tiên trong xã cũng như ở huyện Quỳnh Lưu.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình này đã mang lại kinh tế cao không chỉ cho gia đình anh mà còn rất nhiều gia đình khác.
Người dân mua giống về nuôi, và ngược lại anh Lý thu mua vịt thương phẩm của các hộ để tiêu thụ cho các nhà hàng trong và ngoài địa phương cũng luôn. Chính quyền địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Do hiệu quả kinh tế cây mía thấp, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) thiếu quyết tâm đầu tư nên nông dân trong vùng nguyên liệu mía của huyện đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu bị giảm mạnh.

Năm 2014, vụ lúa trên đất nuôi tôm của người dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau tuy không được như mong đợi, nhưng tính hiệu quả bền vững của mô hình sản xuất kết hợp này nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế trong lòng người dân ở những vùng chuyển dịch. Chính vì thế, năm 2015, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì và phát triển vụ lúa - tôm.

Nhằm giải quyết tốt đầu ra ổn định cho các nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương, Tiền Giang đang triển khai dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại HTX sầu riêng Ngũ Hiệp. Tổng kinh phí dự án trên 170 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX hơn 92 triệu đồng. Thời gian triển khai dự án từ tháng 8 - 12/2015.

Sau một thời gian thông tin trái cây bị nhúng hóa chất cho mau chín và bảo quản được lâu tạm lắng xuống thì những ngày qua trên mạng xã hội, một loạt hình ảnh chụp cận cảnh trái sầu riêng ngâm trong thùng hóa chất màu vàng được share (chia sẻ) với tốc độ chóng mặt. Những hình ảnh này cùng với lời cảnh báo các công ty xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đang sử dụng một loại hóa chất độc hại để làm chín các loại trái như sầu riêng, mít, chuối, xoài, táo… khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng.

Ngày 13-8, tại xã Nhơn Sơn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học SRE&RL phòng, chống nấm mốc trên Nho giai đoạn trước và sau thu hoạch. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học& Công nghệ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các nhóm liên kết trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.