Nuôi vịt trời cho thu nhập cao

Về xã Quỳnh Thanh hỏi thăm gia đình anh Hồ Xuân Lý ở xóm 11 thì hầu hết người dân đều tỏ ra nể phục về việc đầu tư chăn nuôi vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Nhìn ngôi nhà 3 gian khang trang, nội thất đầy đủ khiến chúng tôi khâm phục về một người nông dân dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế như hiện nay. Anh Lý cho biết: Nhân duyên đưa anh đến với mô hình chăn nuôi vịt trời là năm 2012, anh đọc trên Internet có bài viết về hiệu quả mô hình nuôi vịt trời ở tỉnh Bắc Giang.
Nhận thấy giống vịt trời dễ nuôi, mà giá trị kinh tế lại cao nên anh Lý đã quyết định bắt xe ra Bắc Giang để mua 60 con vịt giống với giá 80 nghìn đồng/con về nuôi. Với 500m2 đất trống ở gia đình, anh thả nuôi và nhân giống vịt trời thành công. “Trước khi chăn nuôi vịt trời, tôi làm đủ nghề nhưng không phát triển được, cuộc sống bấp bênh.
Từ khi đưa giống vịt trời về nuôi tại gia đình, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập từ mô hình nuôi vịt trời ổn định, bà con láng giềng cũng có việc làm nhờ áp dụng mô hình này” - anh Lý chia sẻ.
Anh Hồ Xuân Lý bên trại nuôi vịt trời.
Hiện nay, trong trại nuôi vịt trời của anh Lý có hơn 300 con vịt nhỏ, hơn 100 con vịt sinh sản. Anh Lý cho biết, vịt trời có sức đề kháng tốt nên rất ít bị bệnh dịch, nhất là nuôi theo đàn nhỏ cỡ vài chục con.
Nuôi vịt trời có giá trị kinh tế cao bởi vì thời gian xuất chuồng ngắn, khoảng 80 ngày là có thể xuất bán, giá cao gấp 3 lần vịt nhà. Bình quân 1 con vịt trời thương phẩm có trọng lượng hơn 1kg, giá bán ra thị trường 140-160 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, vịt trời tiêu thụ lượng thức ăn ít nên đỡ tốn chi phí thức ăn. Vịt mới nở thường cho ăn cám, khoảng 20 ngày tuổi bổ sung thêm rau, ăn thêm chất tinh bột; hơn 1 tháng sau thì bắt đầu cho ăn lúa, ngô. Để nuôi được vịt trời, anh Lý phải dùng lưới giăng kín xung quanh và phía trên tránh vịt bay.
Hiện tại, với hơn 100 con vịt sinh sản, mỗi tuần gia đình anh xuất bán ra thị trường 300 - 400 con vịt giống, với giá 40 nghìn đồng/con. Ngoài ra, còn xuất bán từ 200 - 300 con vịt thương phẩm cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy mô hình nuôi vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân địa phương đã tìm đến gia đình anh để mua con giống về nuôi. Đến nay, trên địa bàn có hơn 20 hộ nuôi giống vịt trời do anh cung cấp.
Anh Nguyễn Văn Hưng, ở xóm 10 cho biết: “Khi mua giống vịt trời của gia đình anh Lý, chúng tôi được anh truyền đạt về cách chăm sóc, kỹ thuật nuôi. Vịt trời dễ nuôi, nhưng nếu không chăm sóc đúng quy trình thì chậm lớn, kém hiệu quả. Từ nuôi vịt trời, gia đình tôi có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng”.
Ông Hồ Xuân Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh đánh giá: “Mô hình chăn nuôi vịt trời của gia đình anh Hồ Xuân Lý là mô hình đầu tiên trong xã cũng như ở huyện Quỳnh Lưu.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình này đã mang lại kinh tế cao không chỉ cho gia đình anh mà còn rất nhiều gia đình khác.
Người dân mua giống về nuôi, và ngược lại anh Lý thu mua vịt thương phẩm của các hộ để tiêu thụ cho các nhà hàng trong và ngoài địa phương cũng luôn. Chính quyền địa phương, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao”.
Có thể bạn quan tâm

Còn hơn một tháng nữa là đến mùa trồng sắn, người dân không thể hiểu nổi giá sắn năm nay lại rớt thảm hại như vậy. Những tỉnh trồng nhiều sắn như Lào Cai, Yên Bái hiện còn cả chục ngàn ha sắn, nhổ cũng chết mà không nhổ cũng chết.

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống, nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành (TP.HCM) đang rộ lên phong trào nuôi con đặc sản (thỏ, ếch, nhím, cá sấu…) để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Nghề này có thể giúp người dân thu lãi lớn nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro...

Thời điểm khoảng 10 năm trước đây, diện tích cây mãng cầu ta tại Bình Thuận lên đến hơn 1.200 ha. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhất là do năng suất và chất lượng không như mong đợi nên người trồng chặt bỏ thay thế bằng cây trồng khác. Chính vì vậy mới đây, đơn vị chức năng ở địa phương đã tiến hành thực hiện đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tìm lại “chỗ đứng” cho cây mãng cầu ta…

Mấy ngày nay, giá thịt gà liên tục tăng. Theo các tiểu thương, thịt gà tăng giá không phải do nguồn cung khan hiếm mà do dịch cúm gia cầm đang khiến cho người chăn nuôi dè chừng khi bán ra nên giá có xu hướng tăng.