Nuôi Vịt Trời Cho Thu Nhập Cao

Năm 2010, từ đôi vịt trời vướng vào lưới đánh cá, anh Tô Quang Dần, thôn Đông Phú, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã đem về nuôi và thuần hóa. Sau khoảng bảy tháng, vịt trời đẻ lứa trứng đầu tiên, anh Dần đem trứng cho gà ấp để nhân giống. Sau bốn tháng chăm sóc, lứa vịt trời đầu tiên được xuất bán với giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/con. Trước hiệu quả kinh tế nhờ nuôi vịt trời đem lại, anh Dần đã tăng quy mô đàn.
Vừa học, vừa làm và đúc kết kinh nghiệm, anh đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản từ ấp nở, tiêm phòng, chăm sóc. Với hơn bốn sào diện tích mặt nước, thời kỳ cao điểm gia đình anh Dần nuôi vài nghìn con. Nhờ nuôi vịt trời, anh có thêm thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/tháng. Không chỉ bán vịt thương phẩm, anh còn cung ứng con giống cho người dân các vùng phụ cận.
Theo chia sẻ của anh Dần, nuôi vịt trời không khó. Vịt trời có đặc tính bay rất giỏi nên phải cho quây lưới kín chung quanh khu vực nuôi. Sức đề kháng của chúng cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, để hạn chế bệnh tật và nâng cao tỷ lệ sống cho loài thủy cầm này, cần phải tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn dành cho vịt trời chủ yếu là ngô, cám. Lúc vịt nở, cho chúng ăn cám của gà con. Sau 20 ngày, cho vịt ăn cám của vịt đẻ trứng. Tới tháng thứ ba, chỉ cho ăn thóc. Sau khoảng bảy tháng chăm sóc, đàn vịt có thể xuất bán. Mỗi con vịt trưởng thành nặng khoảng trên dưới 1 kg với giá bán bình quân từ 200 đến 250 nghìn đồng. Trung bình mỗi năm, một con vịt trời đẻ được khoảng 100 trứng. Tỷ lệ ấp trứng nở đạt hơn 80%.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở tỉnh Bắc Giang đã tận dụng diện tích ao hồ để chăn thả vịt trời. Các hộ dân cho biết, sản lượng vịt trời hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Vịt trời có đuôi cong vút, cổ xanh biếc, mỏ đỏ, mầu lông thẫm. Với đặc tính xương nhỏ, thịt chắc và không hôi, vịt trời rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến thời kỳ xuất bán, thương lái đến tận nhà mua hoặc đặt hàng từ trước với các cơ sở chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, về cơ bản huyện Thanh Sơn đã thu hoạch xong vụ chiêm xuân và bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Vụ chiêm xuân năng suất lúa của huyện đạt bình quân khoảng 58 tạ/ha, xấp xỉ năng suất bình quân chung toàn tỉnh. Vụ mùa năm nay, huyện Thanh Sơn có kế hoạch gieo cấy 3.470ha lúa, trong đó có 1.600ha lúa lai. Vụ mùa được tập trung chủ yếu vào 2 trà chính là trà sớm (48% diện tích) và mùa trung (50% diện tích).

Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài khiến đàn gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh và là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh như: Tiêu chảy, phó thương hàn, tụ huyết trùng... phát sinh, lây lan, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Để duy trì và đảm bảo tổng số đàn vật nuôi, huyện Thanh Thủy đã chủ động nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm mùa nắng nóng. Nhờ vậy nhiều năm nay, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra hay gia súc bị chết vì nắng nóng.

Đến nay Phú Thọ đã thu hoạch được hơn 37 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt 99,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt 58,6 tạ/ha; ngô đã thu hoạch gần 5.000ha/5.900ha, năng suất ước đạt 46,6 tạ/ha; lạc đã thu hoạch hơn 3.100ha/ 3.469ha, năng suất ước đạt 18,9 tạ/ha; rau các loại đã thu hoạch hơn 4.000 ha/4.220ha, năng suất ước đạt 135,7 tạ/ha.
Hiện nay, nông dân huyện Yên Lập đang tập trung làm đất gieo cấy lúa vụ mùa. Anh Nguyễn Tiến Dần ở xã Hưng Long phấn khởi nói với chúng tôi: “Năm nay nắng nóng đầu vụ cứ lo mất mùa nhưng lúa năm nay được mùa các chị ạ. Mỗi sào lúa cũng phải được trên 2 tạ”. Từ kết quả vụ chiêm xuân, Yên Lập có thêm nhiều kinh nghiệm cho sản xuất vụ mùa.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho các vùng sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích trồng lúa thiếu nước kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, đặc biệt là cây bắp.