Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Trong Nhà Kính Ở Bạc Liêu

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình nuôi tôm trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL.
Theo anh Hải, trong những năm qua, tôm nuôi của người dân ở các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề. Dịch bệnh trên tôm nuôi lây lan ra diện rộng, các ngành chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân tôm chết. Anh Hải nhận thấy tôm nuôi của nhiều hộ dù mới thả nuôi chưa được 1 tháng tuổi đã chết, trong khi đó tôm nuôi đạt trọng lượng từ 30 - 40 con/kg cũng có hiện tượng chết bất thường. Từ đó, để khắc phục được hiện tượng tôm chết sớm, anh Hải đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đặc biệt trực tiếp tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn C.P (Thái Lan). Qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, anh Hải cùng gia đình đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính tại Bạc Liêu.
Theo anh Hải, nuôi tôm trong nhà kính chi phí ban đầu khá cao. Tổng chi phí đầu tư cho 1 ha khoảng 10 tỉ đồng, gồm xây nhà bao phủ các vuông tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn... Nhờ mô hình đầu tư khá hiện đại và khép kín nên có thể thả nuôi thâm canh với mật độ khá cao. Trung bình mật độ thả nuôi từ 200 - 290 con/m2, tôm sau 100 - 105 ngày thả nuôi là có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 30 - 33 con/kg, năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha, giá bán ra thị trường bình quân khoảng 170.000 đồng/kg. Đặc biệt, có nhiều ao sau thu hoạch đạt năng suất từ 87 - 90 tấn/ha. Anh Hải cho biết 5 vụ thả tôm nuôi liên tiếp đều trúng lớn, sản lượng thu hoạch hàng trăm tấn tôm thương phẩm/vụ. Tôm nuôi trong nhà kính có nhiều ưu điểm như dễ kiểm soát, tôm nuôi tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là tôm thương phẩm sau thu hoạch bóng và đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao so với thị trường.
Theo kinh nghiệm của anh Hải, do tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ô xy đáy phải hoạt động liên tục 24/24 giờ. Theo đó, định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và hằng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, môi trường nước kịp thời. Điều đặc biệt là nuôi tôm trong nhà kính không cần thay nước, nguồn nước có thể được tận dụng để thả tôm nuôi những vụ tiếp theo. Do đó, người dân sẽ chủ động được khâu xử lý nước thải trong môi trường nuôi tôm - một vấn đề bức thiết lâu nay mà không có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi định kỳ 3 - 4 ngày phải xi phông đáy ao một lần (hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao), làm sạch môi trường nuôi tạo ra sản phẩm nuôi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. “Do tôm nuôi mau lớn, thời gian nuôi ngắn nên một năm có thể nuôi từ 3 - 4 vụ, đạt tổng sản lượng trên 200 tấn/ha/năm” - anh Hải cho biết.
Từ thành công này, anh Hải cùng gia đình đã thành lập Công ty TNHH MTV Hải Nguyên chuyên nuôi tôm. Hiện anh đang đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm lên đến 60 ha tại xã Vĩnh Trạch Đông. Trong đó, đầu tư 2 khu nuôi tôm khép kín gồm: khu nuôi tôm sạch chất lượng cao và khu nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kính. Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty Hải Nguyên. Ông đánh giá rất cao mô hình nuôi tôm hiện đại này, đồng thời chỉ đạo địa phương quy hoạch vùng nuôi, tạo điều kiện cho người dân nhân rộng mô hình này.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối tháng 10, chị Vũ Thị Nga (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng vui mừng khi lô cam Vinh đầu tiên ông ngoại gửi cho hai đứa trẻ nhà chị ra đến nơi. Ông nhắn, cam giờ vào mùa, hai tuần ông gửi cam ra một lần.

Sau thời gian tham quan học tập ở tỉnh Đồng Nai, anh Hải đã quyết định áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại gia đình. Anh Hải chia sẻ: Nguyên liệu làm đệm lót sinh học là chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương. Cách làm cũng khá đơn giản, trước tiên cần đổ 30 cm trấu cộng với 1 lớp men, sau đó lớp bên trên đổ 40cm mùn cưa.

Chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, sâu bệnh sang trồng những loại cây khác phù hợp là một chủ trương đúng đắn của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này ở huyện Đắk R’lấp đang đặt người nông dân và ngành chức năng, chính quyền cơ sở trước những khó khăn lớn.

Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.