Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 05/07/2014

Trước tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra phổ biến, nhiều bà con huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến (bao gồm cả luân canh lúa - tôm), với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

Theo thống kê của ngành thủy sản huyện Tân Phú Đông, năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn huyện gần 3.900 ha với sản lượng trên 7.000 tấn chiếm 71% diện tích và 41% sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh. Trong đó, nuôi quảng canh cải tiến (QCCT) hơn 2.000 ha (tăng thêm 25 ha so với cùng kỳ năm 2013) và đang được khuyến khích mở rộng thêm diện tích, vì nuôi QCCT ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro và vốn đầu tư ban đầu ít hơn so với hình thức nuôi tôm công nghiệp.

Theo các hộ nuôi tôm QCCT tại xã Phú Tân cho biết: Năng suất trung bình đối với hình thức nuôi tôm QCCT mỗi vụ khoảng 370 kg/ha, còn mô hình luân canh tôm - lúa có năng suất tôm mỗi vụ khoảng 300 kg/ha và năng suất lúa trung bình 3,7 tấn/ha. Năng suất tôm, cua, cá tự nhiên bình quân mỗi vụ thu được từ mô hình nuôi tôm QCCT, luân canh tôm - lúa cũng đạt khoảng 50 kg/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sở dĩ mô hình nuôi QCCT đang được bà con lựa chọn vì tổng chi phí đầu tư cho nuôi tôm mỗi vụ không cao, khoảng 7 triệu đồng/ha, luân canh tôm - lúa 11 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm QCCT mỗi vụ bình quân đạt 40 triệu đồng/ha, luân canh tôm - lúa 50 triệu đồng/ha. Trong đó, mô hình nuôi luân canh tôm - lúa mang lại tỷ lệ thành công cao với 70% số hộ nuôi có lợi nhuận, còn tỷ lệ thành công của mô hình nuôi QCCT đạt khoảng 50% nên được nhiều bà con lựa chọn và đầu tư vào.

Để mô hình nuôi tôm QCCT phát triển bền vững, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện, nhất là trạm khuyến nông đã tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, điểm trình diễn mô hình nuôi cho người dân để nâng cao ý thức và có những định hướng đúng đắn để người dân tiếp tục chuyển đổi sang hình thức nuôi trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo lượng thủy sản duy trì hàng năm đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng nuôi trồng thủy sản (bao gồm cả luân canh lúa - tôm) của huyện đạt 70% kế hoạch đã đề ra, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng trạm khuyến nông huyện Tân Phú Đông cho biết: "Trong những năm gần đây trước hiện tượng dịch bệnh xảy ra thất thường, để tránh rủi ro cho bà con nơi đây, chúng tôi cũng như các ngành chức năng khuyến cáo bà con nên dựa vào điều kiện của vùng mà đầu tư sang nuôi QCCT hoặc luân canh lúa - tôm để tránh rủi ro và thiệt hại lớn do dịch bệnh xảy ra. Trong khi đó, nuôi quảng canh hay luân canh lúa - tôm, nếu dịch bệnh có xảy ra thì phụ thu từ cua, cá tự nhiên cũng khá nhiều...".

Ông Quang cũng cho biết thêm: Để mô hình nuôi tôm QCCT phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần vận động người dân xây dựng mô hình nuôi tôm mang tính cộng đồng, có trách nhiệm. Đồng thời, Nhà nước cần có kế hoạch nạo vét lại hệ thống kinh, rạch đảm bảo nguồn nước luôn lưu thông tốt, đủ nước để phục vụ cho sản xuất và nuôi thủy sản.

Với quy trình nuôi tôm QCCT phù hợp với điều kiện canh tác và thổ nhưỡng của địa phương. Thành công bước đầu của những hộ nuôi trồng tại xã Phú Tân này cho thấy, khi người nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, giúp những hộ nông dân tâm huyết với việc nuôi trồng thủy sản trên vùng đất khó, thêm tâm huyết và gắn bó với con tôm - cây lúa nhiều hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất; hỗ trợ con giống cho vùng nuôi luân canh tôm - lúa để góp phần thúc đẩy mô hình nuôi phát triển ngày càng bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Cách Chọn Dê Làm Giống Cách Chọn Dê Làm Giống

Chọn dê đực giống dựa trên dòng giống, khả năng sinh trưởng và phát triển, ngoại hình, tính hăng và đặc biệt là khả năng phối giống thụ thai, phẩm chất đời con sinh ra tốt.

12/10/2013
Chọn Giống Dê Năng Suất Cao Chọn Giống Dê Năng Suất Cao

Ngoài một số giống dê nội và nhập ngoại quen thuộc như dê Bách thảo, Boer..., hiện chúng ta còn có một số giống dê nhập ngoại và lai tạo cho năng suất cao. Xin giới thiệu một số loại dê cho năng suất cao và cách chọn lựa loại giống dê này.

12/10/2013
Một Nửa Nông Dân Nuôi Cá Tra Bị Lỗ Một Nửa Nông Dân Nuôi Cá Tra Bị Lỗ

Theo Trường Đại học Cần Thơ, năm 1993 tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản bị lỗ là 9,4%; giai đoạn 2002-2005 tỷ lệ trên tăng lên 25%; giai đoạn 2005-2009 là 30% và giai đoạn 2010-2012 lên tới gần 50%. Những con số này đưa ra tại hội thảo tháo gỡ khó khăn cho cá tra tổ chức ở Cần Thơ ngày 9-10.

14/10/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm

Nuôi vịt là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, với phương pháp chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học như hiện nay rất dễ xảy ra dịch bệnh.

14/10/2013
Bảo Hiểm Con Tôm Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ Bảo Hiểm Con Tôm Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ

Từ thực tế ghi nhận được ở người dân nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL có thể khẳng định, nếu bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở ĐBSCL bị "phá sản” và không triển khai nữa, thì đây là những "điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng sự phát triển kinh tế biển của vùng vốn có thế mạnh nhất cả nước.

15/10/2013