Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Hùm Kết Hợp Tu Hà

Nuôi Tôm Hùm Kết Hợp Tu Hà
Ngày đăng: 16/05/2011

Vịnh Xuân Ðài và đầm Cù Mông thuộc TX Sông Cầu là những thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Mặt khác, những đầm, vịnh này còn có môi trường sinh thái rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng nhiều loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như vẹm xanh, tu hài…

ky-thuat-nuoi-tom-hum.jpg

Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở TX Sông Cầu đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi tu hài thương phẩm bằng lồng, khay treo dưới các bè nuôi tôm hùm, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hình thức này có ưu điểm là không phải tốn chi phí đầu tư làm bè riêng, chỉ cần gia cố bè nuôi tôm hùm có sẵn. Đây là phương thức nuôi sáng tạo của ngư dân Sông Cầu trong điều kiện hiện nay tại các đầm, vịnh.

Thực tế nuôi tu hài kết hợp nuôi tôm hùm (cùng kích cỡ giống, thả nuôi cùng thời điểm) trên cùng một bè cho thấy tu hài phát triển nhanh hơn so với nuôi bằng bè riêng. Chỉ sau 10-11 tháng nuôi kết hợp, tu hài đạt kích cỡ 50 con/kg trở lên, tỉ lệ sống đạt trên 90%. Còn tu hài nuôi bằng bè riêng thì phải sau 13-14 tháng mới đạt kích cỡ 50 con/kg, tỉ lệ sống cũng chỉ đạt từ 80-85%. Mặt khác, thực tế cho thấy khi nuôi tu hài kết hợp với nuôi tôm hùm trên cùng một bè thì tôm hùm cũng nhanh lớn và ít xuất hiện bệnh so với tôm hùm nuôi bằng bè riêng. Như vậy, hình thức nuôi kết hợp, ngoài nguồn thu từ tôm hùm, người nuôi còn có thêm nguồn thu từ tu hài khoảng 12-15 triệu đồng/bè sau khi trừ chi phí giống và lồng, khay, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thông qua hình thức nuôi kết hợp, chất thải từ tôm hùm thải ra môi trường đã làm phong phú và dồi dào nguồn thức ăn tự nhiên cho tu hài, nhờ đó mà tu hài phát triển nhanh. Đồng thời quá trình lọc sinh học của tu hài đã làm giảm lượng mùn bã hữu cơ và sinh vật phù du trong môi trường nước tại khu vực nuôi, khắc phục được tình trạng ô nhiễm, tạo điều kiện cho tôm hùm phát triển tốt hơn. Đây cũng là biện pháp nuôi vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần cải tạo môi trường sinh thái đầm, vịnh…

Tuy nhiên, khi nuôi tu hài kết hợp với tôm hùm, người nuôi cần chú ý một số vấn đề về kỹ thuật sau: Nên gia cố bè nuôi tôm hùm bằng cách kết vào khung bè một khung bằng tre già hoặc bằng cây gỗ chịu được sóng gió, rộng 0,5m xung quanh khung bè tôm hùm; đồng thời kết thêm phao nâng bè bằng thùng phuy nhựa để giữ cho bè luôn nổi khi treo các lồng, khay tu hài vào bè nuôi. Lồng, khay nuôi tu hài nên dùng lồng, khay nhựa cỡ 50x35x30cm, đáy và thành khay có các khe thông nước. Đáy lồng lót một lớp lưới 2a=1mm, lưới bao thành lồng có cỡ mắt 2a=20mm, nắp lồng, khay dùng lưới có cỡ mắt lưới 20-25mm, dây treo lồng là dây nylon chắc chắn, đổ cát và mảnh vụn vỏ nhuyễn thể vào lồng có độ dày 15-20cm. Mật độ từ 50-60 con/khay (từ 300-400 con/m2), treo lồng xuống vị trí xung quanh bè nuôi tôm hùm với độ sâu đạt 3-3,5m trở lên. Mỗi tháng định kỳ kéo lồng lên 2 lần để kiểm tra, làm vệ sinh lồng, loại bỏ hết vật lạ trong lồng và xác tu hài chết nếu có. Thường xuyên kiểm tra dây buộc và dây treo lồng, loại bỏ các vật bám như hàu, hà gây hại cho lồng nuôi. Vào mùa mưa, nước ngọt làm độ mặn thay đổi, ảnh hưởng đến môi trường sống của tu hài, do đó phải treo lồng, khay xuống sâu hơn tới mức có thể, hoặc di chuyển bè sang khu vực khác có độ mặn trên 25o/oo để duy trì qua mùa mưa.

Nếu phương thức nuôi kết hợp tôm hùm với tu hài phát triển trên diện rộng sẽ góp phần rất lớn vào việc cải tạo môi trường sinh thái ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, đồng thời còn tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Các địa phương cần nhân rộng cách làm này để nhiều người nuôi quan tâm áp dụng, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản ở các đầm, vịnh và đạt hiệu quả cao nhất.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Bí Đỏ Cô Tiên Giảm Vì Nắng Nóng Sản Lượng Bí Đỏ Cô Tiên Giảm Vì Nắng Nóng

Bí đỏ Cô tiên có xuất xứ từ Đài Loan do Công ty TNHH Mường Hoa, Hợp tác xã Mai Anh (Lào Cai) cung cấp, được gieo trồng tại huyện Mường Khương trong vụ vừa qua với tổng diện tích 56,4 ha. Có 8 xã, thị trấn tham gia trồng hai giống bí này.

29/07/2014
Trồng Mía Đã Đến Lúc Nói Chuyện Công Nghệ Trồng Mía Đã Đến Lúc Nói Chuyện Công Nghệ

Để người trồng mía thoát khỏi cái bóng của sự nghèo khó, đã đến lúc nói đến công nghệ trồng mía tiên tiến. Nhiều mô hình công nghệ đã được chia sẻ tại hội thảo quốc tế lần 2 chủ đề “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía, nâng cao thu nhập cho người nông dân” do Thành Thành Công tổ chức tuần trước.

29/07/2014
Trứng Thật Trứng Giả Vòng Quay Của Những Tin Đồn Trứng Thật Trứng Giả Vòng Quay Của Những Tin Đồn

Tin đồn tưởng chỉ độc quyền ở mồm miệng dân đen, ở quán cóc vỉa hè giờ bỗng chễm chệ, hiện hình trên các phương tiện truyền thông nhất là cộng đồng báo mạng khiến cho độc giả co rúm lên sợ hãi vì không biết mình sẽ phải ăn gì, mặc gì, dùng gì cho khỏi bị ngộ độc…

07/08/2014
Nuôi Cá Lóc Bắt Đầu Có Lãi Nuôi Cá Lóc Bắt Đầu Có Lãi

Ông Nguyễn Văn Thanh, người nuôi cá lóc ở thị trần Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: Sau nhiều tháng cá lóc thương phẩm giảm dưới mức giá thành thì nay đã tăng mạnh trở lại và đang đứng ở mức 37.000 đ/kg.

07/08/2014
Dân Vẫn Chưa Muốn Bán Lúa Gạo Dân Vẫn Chưa Muốn Bán Lúa Gạo

Giá lúa bất ngờ đổi chiều và liên tục tăng khiến nhiều thương lái tranh nhau tìm mua lúa khắp nơi, không phân biệt chủng loại nhưng vẫn không mua được sản lượng lớn. Cụ thể, đối với lúa tươi thu mua tại ruộng giá dao động từ 5.400- 5.500 đ/kg, lúa khô có giá từ 5.800- 6.000 đ/kg đối với các giống OM 5451, IR 6976 và IR 50404. Riêng đối với lúa khô tạm trữ từ vụ ĐX lên đến 7.000 đ/kg.

07/08/2014