Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Đúng Quy Trình Để Tránh Thiệt Hại

Nuôi Tôm Đúng Quy Trình Để Tránh Thiệt Hại
Ngày đăng: 10/04/2012

Việc nuôi tôm không tuân thủ khung lịch mùa vụ và khuyến cáo kỹ thuật cộng với khó khăn trong kiểm soát dịch là những lý do khiến dịch bệnh trên tôm phức tạp ngay từ đầu vụ tại một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL.

Hàng nghìn ha bị thiệt hại

Cuối tháng Ba vừa qua, các đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành kiểm tra tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh ở ĐBSCL - địa bàn trọng điểm về nuôi tôm nước lợ. Theo kết quả báo cáo của các địa phương tính đến thời điểm đi kiểm tra thì diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại là 1.137 ha trên tổng số 9.425 ha; diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến tôm - lúa, tôm - rừng là 28.391 ha trên tổng số 488.096 ha.

Tỷ lệ tôm chết tại các ao nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến từ 10 - 15%. Nguyên nhân chủ yếu do sốc môi trường (nhiệt độ giữa ban ngày và đêm chênh lệch lớn, xuất hiện các cơn mưa lớn trái mùa…). Còn lại, số diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thiệt hại do bị đốm trắng, đỏ thân, bệnh liên quan đến hội chứng gan tụy.

Trước đó, khi có thông tin về tôm hùm chết hàng loạt ở Khánh Hòa, Phú Yên, đầu tháng 3/2012, Đoàn khảo sát có đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đã kiểm tra tình hình. Đoàn đã lấy mẫu bệnh và kết quả xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh do nấm Fusarium solani, nấm Vibrio và thể virút. Tôm hùm chết ở Nam Trung bộ đều mắc các bệnh như đen mang, đỏ thân, long đầu và bệnh sữa.

Nuôi không đúng kỹ thuật

Lý giải về việc tôm hùm chết tại các tỉnh Nam Trung bộ, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cho rằng, nguyên nhân tôm chết là do lây nhiễm bệnh từ thức ăn và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm trầm tích ở vùng nuôi là do người nuôi không tuân thủ quy định, nuôi quá dày, mật độ số con trong một lồng và mật độ các lồng trong một vùng nuôi cao nên làm tăng nhanh độ ô nhiễm vùng. Mặt khác, môi trường năm nay có nhiều yếu tố không thuận lợi nên tỷ lệ tôm mắc bệnh nhiều và tỉ lệ sống cũng giảm.

Còn tại các tỉnh ĐBSCL, theo Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, tôm mắc bệnh được phát hiện xảy ra trên diện tích thả nuôi sớm, không tuân thủ khung lịch mùa vụ, mua con giống trôi nổi, không qua kiểm dịch, không xử lý mầm bệnh và không cải tạo kỹ ao nuôi trước khi thả nuôi.

Mặc dù ngay từ đầu năm, Tổng Cục Thủy sản đã có công văn chỉ đạo thực hiện lịch sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2012 nhưng kiểm tra cho thấy, hầu hết các khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm tại các địa phương đều sớm hơn so với khung lịch mùa vụ thả giống do Tổng cục Thủy sản ban hành. Nhiều cơ sở nuôi không tuân thủ khung lịch mùa vụ thả giống của địa phương. Đặc biệt, tại các cơ sở nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với các cơ sở thả nuôi sớm và cả những cơ sở thả nuôi theo đúng mùa vụ cũng rất cao vì khi dịch bệnh người nuôi đã tự ý thải nước trực tiếp ra môi trường.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng cho biết, nhiều cơ sở nuôi thả tôm giống không đảm bảo chất lượng, không qua kiểm dịch, con giống không đảm bảo kích cỡ thả nên tôm dễ bị nhiễm bệnh.

Kiểm soát dịch gặp khó

Nhiều địa phương phản ánh công tác kiểm dịch đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các địa phương đều chưa chủ động được nguồn tôm giống mà nhập nhiều từ miền Trung (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận). Tuy nhiên, Chi cục Thú y các địa phương cho biết, tôm giống nhập lậu rất nhiều, không kiểm soát được chất lượng, làm tăng nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Một khó khăn nữa đối với các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh là nhiều cơ sở nuôi (đặc biệt các cơ sở nuôi nhỏ lẻ) khi tôm nuôi bị chết do nhiễm bệnh thì người nuôi không báo với cơ quan chức năng để xử lý mà tự xử lý. Do đó, các địa phương kiến nghị nên có quy định cụ thể, chặt chẽ và có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở nuôi có tôm bị chết do nhiễm bệnh.

Theo Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản, diễn biến dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản còn phức tạp, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về bệnh trên tôm. Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết đã kiến nghị Cục Thú y phối hợp với các địa phương xây dựng bản đồ dịch tễ từng tỉnh, làm cơ sở chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong công tác xét nghiệm mẫu tôm bệnh mà địa phương chưa làm được để kịp thời khuyến cáo dịch bệnh cho địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Ba Lan ký hiệp định xuất khẩu táo vào Việt Nam Ba Lan ký hiệp định xuất khẩu táo vào Việt Nam

Ngày 2/10 các quan chức nông nghiệp của Ba Lan và Việt Nam đã ký một hiệp định cho phép xuất khẩu táo Ba Lan vào thị trường của Việt Nam.

04/10/2015
Tìm đường đưa hàng Việt sang Nga Tìm đường đưa hàng Việt sang Nga

Đoàn doanh nghiệp TP HCM đã tổ chức chuyến khảo sát thị trường Nga để tìm đường xuất khẩu hàng sang thị trường tiềm năng này

04/10/2015
Phòng tránh bệnh cong thân và đục cơ trên tôm thẻ chân trắng Phòng tránh bệnh cong thân và đục cơ trên tôm thẻ chân trắng

Trong nuôi thủy sản hiện nay, bệnh cong thân và đục cơ trên tôm nuôi (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) thường xảy ra, nhiều nhất ở những ao có độ mặn thấp và nuôi với mật độ dày.

05/10/2015
Độc đáo nghề rùng cá Độc đáo nghề rùng cá

Nghề rùng cá là nghề truyền thống của ngư dân các xã ven biển của tỉnh Nam Định. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề rùng cá vẫn được gìn giữ bởi nhiều thế hệ ngư dân, vừa tạo thêm thu nhập, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa trong đời sống lao động sản xuất của người dân nơi đây.

05/10/2015
Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và cần có giải pháp quyết liệt hơn Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và cần có giải pháp quyết liệt hơn

Từ đầu tháng 9 đến nay, cá, tôm, cua, hàu nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) liên tiếp bị chết hàng loạt khiến người nuôi trồng thủy sản hoang mang và bức xúc.

05/10/2015