Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi tôm công nghiệp bằng năng luợng mặt trời

Nuôi tôm công nghiệp bằng năng luợng mặt trời
Ngày đăng: 24/08/2015

Năng lượng mặt trời từ lâu đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, bởi đó là nguồn năng lượng sạch. Trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng NLMT để tạo oxy cho mô hình nuôi tôm công nghiệp, thay thế máy chạy bằng dầu diesel.

Ứng dụng này hoạt động theo nguyên lý: Dùng hệ thống thiết bị ứng dụng từ những tấm hấp thu năng lượng mặt trời, năng lượng hấp thu được chuyển đến hệ thống binh ắc-quy. Nguồn điện tích trữ trong bình ắc-quy sẽ cung cấp dòng năng lượng để các thiết bị thổi khí oxy vận hành. Từ đó, lượng khí ôxy được chuyển đến các vị trí gần đáy ao nhờ các ống dẫn khí, phân tán lượng ôxy trong môi trường nước. Đặc biệt, bình tích trữ điện có thể giữ năng lượng cho hệ thống vận hành khí hoạt động trong thời gian 7 ngày. Toàn bộ hệ thống bơm khí bằng năng lượng mặt trời có tuổi thọ cao. Để cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi, tạo nguồn đạm làm thức ăn cho tôm rất cần việc sử dụng vi sinh vật định kỳ.

Như vậy, việc ứng dụng NLMT để nuôi tôm là một giải pháp bảo vệ môi trường ao nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, giúp giảm thiểu sự ô nhiễm và các chất gây bẩn trong ao hồ nuôi trồng thủy sản. Giải pháp này loại bỏ khả năng gây ô nhiễm từ các nguồn năng lượng khác như dầu diesel, khí nén… Khi sử dụng cho nuôi tôm công nghiệp thì hoàn toàn không sử dụng hệ thống quạt vận hành bằng dầu diesel hoặc điện, qua đó sẽ giảm được chi phí sản xuất cho người nuôi tôm.

Ứng dụng NLMT trong thời gian gần đây được các hộ nuôi tôm ở 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau áp dụng. Ở Bạc Liêu, ứng dụng được áp dụng tại trang trại nuôi tôm sú của ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu). Ở Cà Mau, mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Ngô Văn Tuấn, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi được chọn làm điểm thử nghiệm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo tính toán của nhà sản xuất, trên diện tích ao nuôi khoảng 0,5 ha, nếu dùng máy chạy dầu diesel để vận hành dàn quạt, chi phí sản xuất trung bình mỗi vụ nuôi khoảng 30 triệu đồng. Còn nếu dùng hệ thống tạo khí oxy được ứng dụng bằng NLMT, chi phí sản xuất sẽ không đáng kể do không tốn chi phí nhiên liệu, máy và nhiều dụng cụ khác.

Ứng dụng tại ao nuôi của ông Ngô Văn Tuấn, kết quả cho thấy: Tại ao có sử dụng hệ thống thổi khí bằng năng lượng mặt trời và kết hợp vi sinh vật, chất lượng nước được cải thiện, tôm không bị nhiễm bệnh và phát triển nhanh hơn so với ao sử dụng quạt nước thông thường (ao đối chứng bên cạnh). Cụ thể: Đối với ao sử dụng quạt thông thường, khi 60 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng 120 con/kg thì bị bệnh đốm trắng. Đối với ao nuôi sử dụng tấm năng lượng mặt trời, thả 120.000 con tôm/0,3 ha, sau 94 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng khoảng 70 con/kg. Đặc biệt khoảng cách giữa 2 ao gần nhưng ao mô hình tôm không bị bệnh đốm trắng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, sau thời gian thí điểm công nghệ bơm khí bằng năng lượng mặt trời kết hợp với sử dụng vi sinh vật vào nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau nhận thấy mô hình giúp giảm tối đa chi phí nhiên liệu, thức ăn, đồng thời tạo ra môi trường sạch cho tôm phát triển nhanh.

Nói về hiệu quả của mô hình này, Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau nhận định: Nếu hệ thống cung cấp ôxy bằng năng lượng mặt trời đạt tiêu chí đúng như công bố và có độ bền cao sẽ góp phần giải quyết rất lớn những khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản Cà Mau nói chung trong đó có nuôi tôm công nghiệp với việc làm trong sạch môi trường, giảm chi phí nuôi tôm. Mặt khác không phụ thuộc việc sử dụng điện năng nuôi tôm, chủ động điện năng nơi mà lưới điện khó kéo đến.

Tuy nhiên, theo ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu), ngoài những ưu điểm trên thì việc ứng dụng NLMT để nuôi tôm vẫn còn nhiều điểm cần được nhà sản xuất nghiên cứu, cải thiện mới thích nghi được với mô hình nuôi tôm công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cũng phải kể đến những vấn đề như nếu gặp thời tiết thất thường, mưa bão liên tục trong một thời gian dài thì liệu hệ thống này có nạp đủ năng lượng để hoạt động hay không? Nếu gặp sự cố về kỹ thuật trong lúc tôm gần thu hoạch thì sẽ xử lý ra sao…?

Theo ông Tạ Minh Phú - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, đây là một hệ thống mới, chi phí đầu tư ban đầu khá cao so với khả năng của nhiều người nuôi tôm trong tỉnh hiện nay (trên 200 triệu đồng cho một hệ thống NLMT đủ sức phục vụ ao nuôi với diện tích 0,5 ha).

Mặc dù có nhà sản xuất sản phẩm ứng dụng NLMT đã đưa ra phương thức bán trả góp với đề nghị khoảng 6 triệu đồng/tháng trong thời gian khoảng 3 năm, nhưng với nhiều nông dân thì đây vẫn còn là mức cao. Sở NN&PTNT Bạc Liêu cũng khuyến cáo người dân cần tính toán và cân nhắc kỹ trước khi đi đến quyết định đầu tư vào ứng dụng này.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình trồng xen cây ăn quả với cà phê ở Chiềng Ban Sơn La Mô hình trồng xen cây ăn quả với cà phê ở Chiềng Ban Sơn La

Mô hình trồng xen cây ăn quả có múi trên diện tích cà phê ở Chiềng Ban có nhiều ưu điểm phòng chống sương muối gây hại cho cà phê, tăng năng suất, đồng thời, tận dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới ẩm giúp giảm chi phí, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

09/10/2015
Xuất khẩu rau quả, trái cây 2 tỉ USD trong tầm tay Xuất khẩu rau quả, trái cây 2 tỉ USD trong tầm tay

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự báo, với tốc độ xuất khẩu như hiện tại, khả năng thu về 2 tỉ USD từ xuất khẩu trái cây, rau quả trong năm 2015 nằm trong tầm tay.

09/10/2015
Nhiều mô hình phòng, chống dịch bệnh trên cây ăn trái Nhiều mô hình phòng, chống dịch bệnh trên cây ăn trái

Trong thời gian qua, bệnh “chổi rồng” trên nhãn, đốm nâu trên thanh long, vàng lá trên cây có múi luôn là nỗi ám ảnh đối với người trồng cây ăn trái.

09/10/2015
Tiềm năng và triển vọng cây thanh long ở Minh Thanh Cao Bằng Tiềm năng và triển vọng cây thanh long ở Minh Thanh Cao Bằng

Trong những năm gần đây, cây thanh long được trồng và tăng diện tích khá nhanh trên địa bàn xã Minh Thanh (Nguyên Bình - Cao Bằng), mở ra triển vọng có giá trị kinh tế cao bởi cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

09/10/2015
Mở rộng diện tích trồng cam Xã Đoài Mở rộng diện tích trồng cam Xã Đoài

Từ những kết quả của mô hình trồng thử nghiệm do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai vào năm 2007, cây cam Xã Đoài hiện đang được nhiều địa phương trong tỉnh đưa vào canh tác, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

09/10/2015