Nuôi Thuỷ Sản Ở Đầm Dơi Tìm Giải Pháp Phát Triển Bền Vững

Năm 2012 là năm huyện Đầm Dơi gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản. Người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với giá cả vật tư tăng cao, dịch bệnh hoành hành, tư thương ép giá… Tuy nhiên, chính quyền các cấp ở Đầm Dơi luôn đồng hành, nỗ lực vượt khó cùng người dân.
Những tháng đầu năm 2012, ảnh hưởng cơn bão số 3, xuất hiện mưa trái mùa làm dịch bệnh tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến phát sinh trên diện rộng, ước tính vụ 1 có trên 60% diện tích nuôi tôm công nghiệp của bà con bị thiệt hại.
Ảnh hưởng của lạm phát, giá cả thị trường biến động kéo theo giá nguyên liệu, vật tư, thức ăn tăng cao. Một số nơi thiếu điện 3 pha phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp. Chất lượng con giống còn bấp bênh, chưa bảo đảm.
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân chưa nhiều. Những tháng gần đây, giá tôm sụt giảm, nông dân xác định nuôi tôm công nghiệp không có lãi.
Vượt khó khăn
Trước những khó khăn đó, các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp. Trọng tâm là hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung.
Điều chỉnh, bố trí lại từng khu vực sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Định hướng phát triển đa cây, đa con, bổ sung các đối tượng nuôi mới để từng bước nâng cao sản xuất. Chủ đạo là phát triển mô hình nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao và nuôi tôm công nghiệp.
Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, song nhìn lại năm 2012, Đầm Dơi tiếp tục gặt hái được những thành công nhất định. Người dân đào mới 550 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 85% so với kế hoạch tỉnh giao, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn huyện đến nay là 2.210 ha. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 7.500 ha, đạt 100% kế hoạch.
Đây là 2 mô hình chủ lực trong nuôi thuỷ sản ở Đầm Dơi, năng suất tôm công nghiệp đạt 5,5 tấn/ha, quảng canh cải tiến đạt từ 620-650 kg/ha, góp phần nâng sản lượng nuôi thuỷ sản là 89.000 tấn, đạt 101% kế hoạch, tăng 7,6% so với năm trước.
Định hướng phát triển
Năm 2013, Đầm Dơi tập trung triển khai Đề án "Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2009 -2012 và định hướng đến năm 2015" giai đoạn 2, với mục tiêu nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Phấn đấu trong năm 2013 mở rộng thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp 550 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 11.000 ha, sản lượng thuỷ sản 91.000 tấn.
“Phát triển 3 mô hình này song song, đặc biệt giữ vững và nhân lên mô hình nuôi quảng canh, tôm công nghiệp. Phát triển mô hình quảng canh cải tiến, đây là mô hình thông dụng, hiệu quả kinh tế rất cao, vừa với khả năng của người dân”, ông Biện Công Thành, Chủ tịch Hội Thuỷ sản xã Tân Duyệt, cho biết.
Ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn, thành lập, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã. Mặt khác, để nhân rộng mô hình nuôi công nghiệp, quảng canh cải tiến năng suất cao, ngành điện nên áp giá điện để người nuôi tôm công nghiệp có mức giá nhất định, giảm chi phí trong sản xuất”.
“Huyện sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tiếp tục duy trì, chỉ đạo phát triển nuôi tôm công nghiệp.
Tập trung chỉ đạo nhân rộng và lấy diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến để tăng sản lượng chính. Nhân rộng các mô hình sản xuất, đặc biệt là các mô hình đa canh trong sản xuất.
Quản lý và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng, các hộ nuôi tôm bị dịch bệnh chưa xử lý thải ra môi trường”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần khẳng định.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra trong năm 2013, Đầm Dơi đang tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, đa cây, đa con.
Xúc tiến triển khai xây dựng các tiểu vùng, điều chỉnh khu vực sản xuất, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và tiềm năng, lợi thế của huyện.
Có thể bạn quan tâm

An toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, để có nông sản thực phẩm an toàn đòi hỏi có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và các cấp quản lý, giám sát chất lượng các sản phẩm nông sản (rau, củ, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm…) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Đến nay ngoài Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALC II) đổ bể, lại có Công ty Tài chính cao su (thuộc Tập đoàn Cao su VN) bị đề nghị giải thể, để lại khoản lỗ trên 1.770 tỉ đồng.

Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...

Tuy tiềm lực không thể so sánh với các Cty có vốn ngoại, nhưng một số Cty chăn nuôi có vốn nội cũng đã và đang mạnh dạn phát triển theo hướng trở thành một Cty thực phẩm, khép kín từ đầu vào, chăn nuôi tới giết mổ, chế biến và tiêu thụ. Một ví dụ điển hình là Cty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood).

Với 20 xã nông thôn, đến hết tháng 10, bình quân tiêu chí của huyện đã đạt 13,7 tiêu chí/xã, tăng 8,9 tiêu chí/xã so với năm 2011. Đây là mức tăng mạnh không chỉ với Thái Nguyên mà còn với nhiều địa phương khác của các tỉnh trung miền núi phía Bắc (bình quân tiêu chí của các địa phương trong vùng chỉ tăng từ 5-6 tiêu chí).