Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, cơ quan chức năng đã chọn hộ ông Lê Xuân Dũng (ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) để hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm.
Gia đình ông Lê Xuân Dũng có thâm niên nuôi cá nước ngọt đã gần chục năm. Ông thả nuôi các loại cá như trắm cỏ, rô phi, cá mè… Tuy nhiên, nuôi các loại cá nói trên rất tốn công, giá thành thấp, nhiều lúc không bán được cá. Ông Dũng luôn trăn trở tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế bền vững. Đến đầu năm 2013, khi được huyện chọn đầu tư triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm, ông Dũng phấn khởi và tập trung công sức với hy vọng triển khai mô hình mới này đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Dũng cho biết trên thị trường hiện nay nhiều người thích mua cá thác lác cườm, bên cạnh dùng để chế biến thức ăn còn phục vụ thú chơi cá cảnh. Ông Dũng được hỗ trợ 4.000 con cá thác lác cườm giống thả nuôi trong diện tích 500m2 mặt nước và được hỗ trợ thức ăn công nghiệp. Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông huyện, diện tích ao nuôi từ 200 - 500m2, độ sâu từ 0,8 - 1,2m, nhiệt độ nước thích hợp 26 - 30 độ C, độ pH 7 - 8,5.
Trước khi nuôi cần dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10 - 15 kg/100m2 . Phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào từ 5 - 7 ngày mới thả cá giống. Nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với liều lượng 3 kg/100m2 . Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống, với liều lượng 15 - 20 kg/100m2.
Để cá lớn khỏe, đòi hỏi có nguồn cá giống sạch bệnh mua ở các cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (cỡ 3 - 5cm), không bị xây xát. Cá giống mua về nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả ngâm bao đựng cá trong ao 15 - 20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Mật độ thả 5-10 con/m2. Trong ao đặt một số giá thể cho cá trú. Ban đầu nên cho cá giống ăn cá, tép vụn.
Cá dùng làm thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhuyễn, trộn với chất kết dính để thức ăn không bị rã. Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh liều lượng hằng ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn khẩu phần còn lại.
Theo ông Dũng, nuôi cá thác lác cườm trong ao bằng thức ăn công nghiệp chi phí đầu tư 1kg cá khoảng 30.000 đồng. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nếu nuôi thành công sẽ thu lợi nhuận cao.
Hiện nay, cá thác lác cườm của ông Dũng vẫn chưa đủ trọng lượng xuất bán nhưng đã có nhiều nơi đến đặt hàng trước. Theo cơ quan chức năng huyện Minh Long, thời gian tới sẽ tổ chức cho bà con nông dân tham quan mô hình nuôi cá thác lác cườm và tiến hành nhân rộng mô hình này để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Bà con nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) hiện đang bước vào thu hoạch sầu riêng trái vụ năm 2014. Năm nay, sầu riêng trái vụ giảm về sản lượng nhưng giá bán cao hơn so với năm 2013.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhất là những ngày gần đây, giá cà phê liên tục tăng, nhưng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên bán ra rất ít. Không những vậy, những hộ dân có tiền nhàn rỗi còn đến các đại lý, doanh nghiệp (DN) mua cà phê đem về nhà tạm trữ ngóng giá lên!

Giá ớt hiện ở mức 23.000 đ/kg, chi phí cho một sào ớt khoảng 4 triệu đồng (chưa tính công lao động). Như vậy, tổng thu một sào trồng ớt khoảng 27,6 triệu đồng.

Ở một mức độ nhất định, nắng hạn còn giúp cây cà phê phân hóa mầm hoa và ra hoa đồng loạt, nâng cao năng suất. Nhưng diễn biến như gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt…

Với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng, Sở NN&PTNT phối hợp với xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) triển khai tiểu dự án “Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” tại thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, quy mô 9ha. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý 2-2014.