Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, cơ quan chức năng đã chọn hộ ông Lê Xuân Dũng (ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) để hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm.
Gia đình ông Lê Xuân Dũng có thâm niên nuôi cá nước ngọt đã gần chục năm. Ông thả nuôi các loại cá như trắm cỏ, rô phi, cá mè… Tuy nhiên, nuôi các loại cá nói trên rất tốn công, giá thành thấp, nhiều lúc không bán được cá. Ông Dũng luôn trăn trở tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế bền vững. Đến đầu năm 2013, khi được huyện chọn đầu tư triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm, ông Dũng phấn khởi và tập trung công sức với hy vọng triển khai mô hình mới này đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Dũng cho biết trên thị trường hiện nay nhiều người thích mua cá thác lác cườm, bên cạnh dùng để chế biến thức ăn còn phục vụ thú chơi cá cảnh. Ông Dũng được hỗ trợ 4.000 con cá thác lác cườm giống thả nuôi trong diện tích 500m2 mặt nước và được hỗ trợ thức ăn công nghiệp. Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông huyện, diện tích ao nuôi từ 200 - 500m2, độ sâu từ 0,8 - 1,2m, nhiệt độ nước thích hợp 26 - 30 độ C, độ pH 7 - 8,5.
Trước khi nuôi cần dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10 - 15 kg/100m2 . Phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào từ 5 - 7 ngày mới thả cá giống. Nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với liều lượng 3 kg/100m2 . Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống, với liều lượng 15 - 20 kg/100m2.
Để cá lớn khỏe, đòi hỏi có nguồn cá giống sạch bệnh mua ở các cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (cỡ 3 - 5cm), không bị xây xát. Cá giống mua về nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả ngâm bao đựng cá trong ao 15 - 20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Mật độ thả 5-10 con/m2. Trong ao đặt một số giá thể cho cá trú. Ban đầu nên cho cá giống ăn cá, tép vụn.
Cá dùng làm thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhuyễn, trộn với chất kết dính để thức ăn không bị rã. Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh liều lượng hằng ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn khẩu phần còn lại.
Theo ông Dũng, nuôi cá thác lác cườm trong ao bằng thức ăn công nghiệp chi phí đầu tư 1kg cá khoảng 30.000 đồng. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nếu nuôi thành công sẽ thu lợi nhuận cao.
Hiện nay, cá thác lác cườm của ông Dũng vẫn chưa đủ trọng lượng xuất bán nhưng đã có nhiều nơi đến đặt hàng trước. Theo cơ quan chức năng huyện Minh Long, thời gian tới sẽ tổ chức cho bà con nông dân tham quan mô hình nuôi cá thác lác cườm và tiến hành nhân rộng mô hình này để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, Tiền Giang xây dựng được vùng trồng chuyên canh dừa gần 15.000 ha, vượt gần 3% so kế hoạch cả năm và tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Diện tích dừa tập trung tại các huyện ven biển nhiều khó khăn phía Đông: Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây… Tỉnh tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhằm tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng thị trường, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Từ hiệu quả kinh tế cây chuối mô mang lại, năm 2015 nông dân thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương - Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư trồng mới thêm 25 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích cây chuối mô tại huyện Mường Khương lên hơn 304 ha.

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.

Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.