Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm

Nuôi Thí Điểm Cá Thác Lác Cườm
Ngày đăng: 30/07/2013

Từ nguồn vốn Chương trình 30a, cơ quan chức năng đã chọn hộ ông Lê Xuân Dũng (ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) để hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm.

Gia đình ông Lê Xuân Dũng có thâm niên nuôi cá nước ngọt đã gần chục năm. Ông thả nuôi các loại cá như trắm cỏ, rô phi, cá mè… Tuy nhiên, nuôi các loại cá nói trên rất tốn công, giá thành thấp, nhiều lúc không bán được cá. Ông Dũng luôn trăn trở tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế bền vững. Đến đầu năm 2013, khi được huyện chọn đầu tư triển khai thí điểm mô hình nuôi cá thác lác cườm, ông Dũng phấn khởi và tập trung công sức với hy vọng triển khai mô hình mới này đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dũng cho biết trên thị trường hiện nay nhiều người thích mua cá thác lác cườm, bên cạnh dùng để chế biến thức ăn còn phục vụ thú chơi cá cảnh. Ông Dũng được hỗ trợ 4.000 con cá thác lác cườm giống thả nuôi trong diện tích 500m2 mặt nước và được hỗ trợ thức ăn công nghiệp. Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông huyện, diện tích ao nuôi từ 200 - 500m2, độ sâu từ 0,8 - 1,2m, nhiệt độ nước thích hợp 26 - 30 độ C, độ pH 7 - 8,5.

Trước khi nuôi cần dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10 - 15 kg/100m2 . Phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào từ 5 - 7 ngày mới thả cá giống. Nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với liều lượng 3 kg/100m2 . Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống, với liều lượng 15 - 20 kg/100m2.

Để cá lớn khỏe, đòi hỏi có nguồn cá giống sạch bệnh mua ở các cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (cỡ 3 - 5cm), không bị xây xát. Cá giống mua về nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả ngâm bao đựng cá trong ao 15 - 20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Mật độ thả 5-10 con/m2. Trong ao đặt một số giá thể cho cá trú. Ban đầu nên cho cá giống ăn cá, tép vụn.

Cá dùng làm thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhuyễn, trộn với chất kết dính để thức ăn không bị rã. Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh liều lượng hằng ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn khẩu phần còn lại.

Theo ông Dũng, nuôi cá thác lác cườm trong ao bằng thức ăn công nghiệp chi phí đầu tư 1kg cá khoảng 30.000 đồng. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, nếu nuôi thành công sẽ thu lợi nhuận cao.

Hiện nay, cá thác lác cườm của ông Dũng vẫn chưa đủ trọng lượng xuất bán nhưng đã có nhiều nơi đến đặt hàng trước. Theo cơ quan chức năng huyện Minh Long, thời gian tới sẽ tổ chức cho bà con nông dân tham quan mô hình nuôi cá thác lác cườm và tiến hành nhân rộng mô hình này để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Kinh Tế Từ Giống Gà Siêu Trứng VCN-G15 Hiệu Quả Kinh Tế Từ Giống Gà Siêu Trứng VCN-G15

Với mục đích nâng cao năng suất, sản lượng trứng trong chăn nuôi gà, từ năm 2011 UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức tiếp nhận 2000 con gà giống siêu trứng VCN-G15 do Tổng cục V - Bộ Công an, Viện Chăn nuôi Quốc gia hỗ trợ và nuôi thử nghiệm tại trại chăn nuôi gà của gia đình ông Phạm Đình Thảo (Đội 11, xã Nghi Đức, TP. Vinh).

09/10/2013
Mô Hình Nuôi Trâu Murrah Ấn Độ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Trâu Murrah Ấn Độ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2008 đến nay, nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu Murrah Ấn Độ lấy thịt đạt hiệu quả cao.

09/10/2013
Tăng Cường Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghiệp Tăng Cường Phát Triển Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghiệp

Với thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, UBND xã Long Tân (Dầu Tiếng - Bình Dương) tập trung khuyến khích người dân trên địa bàn đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chủ yếu ở các trang trại.

09/10/2013
Phát Triển Kinh Tế Hộ Gia Đình Với Mô Hình Chăn Nuôi Dê Sinh Sản Phát Triển Kinh Tế Hộ Gia Đình Với Mô Hình Chăn Nuôi Dê Sinh Sản

Dê Bách Thảo là giống dê thịt kiêm dụng sữa, tính nết hiền lành có thể chăn thả hay nuôi nhốt hoàn toàn. Dê Bách Thảo với nhiều ưu điểm như không cạnh tranh lương thực với con người, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, cỏ, thậm chí rơm rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác.

11/10/2013
Phát Triển 5.380 Con Bò Sữa Phát Triển 5.380 Con Bò Sữa

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), đến nay, tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện lên đến gần 5.380 con, trong đó bò sữa nuôi trong hộ gia đình gần 3.610 con; bò sữa nuôi trong các doanh nghiệp là 1.770 con (Vinamilk 820 con, Dalatmilk 500 con và Agrivina 450 con), năng suất sữa trung bình khoảng 20 lít/con/ngày, tổng sản lượng sữa đạt 6 tấn/con với chu kỳ 10 tháng trong năm.

11/10/2013