Nuôi ong mật Ý

Đi chân đất, mặc bộ quần áo rằn ri, không áo bảo hộ, không mũ lưới che mặt, ông vẫn miệt mài kiểm tra những thùng ong của mình. Ít ai biết được ông Thể đã gắn bó gần 40 năm với nghề nuôi ong lấy mật.
Ông chia sẻ: “Năm 16 tuổi tôi được cử đi học nuôi ong, được 7 năm thì đi bộ đội. Khi giải ngũ, trở về công tác tại trung tâm nuôi ong của tỉnh. Sau này, cơ chế thay đổi, cơ quan không lo nổi đồng lương cho anh em. Khi sáp nhập với Cty thức ăn gia súc thì tôi xin về”.
Cái duyên với nghề nuôi ong không dừng lại ở đó. Trở về cùng vợ làm ruộng được 2 năm, công việc vất vả mà không thể thoát nghèo được. Ông bàn với vợ, quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi ong. Vay vốn ngân hàng, mua giống, đóng thùng, ông bắt đầu gây dựng những đàn ong của riêng mình.
Không mất quá nhiều thời gian để ông trở thành một tấm gương làm ăn kinh tế giỏi. Sở hữu hơn 300 thùng nuôi ong của mình, mỗi năm xuất bán từ 4 - 6 tấn mật cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm vốn có cộng với những kiến thức về nghề nuôi ong, ông đã giúp đỡ nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật.
Hơn 300 thùng ong mật nội đã giúp ông thực hiện được ước mơ làm giàu, mang lại một cuộc sống dư giả. Hiện tại, ông đã xóa bỏ hoàn toàn hơn 300 thùng ong nội, chuyển hướng sang nuôi ong mật ngoại với số lượng hơn 70 đàn.
Chia sẻ về quyết định này, ông tâm sự: “Trước đây, hơn 300 thùng ong nội cung cấp đủ mật cho việc bán lẻ và một số cửa hàng đặt mua. Nhưng từ cuối năm 2013, tôi đã liên kết được với 2 doanh nghiệp ở miền Nam và Hưng Yên đặt hàng xuất khẩu thì số lượng mật ong không đáp ứng đủ. Mặt khác, họ lại chuộng mật ngoại hơn. Nên tôi quyết định chuyển sang nuôi ong ngoại”.
Giống ong mật ngoại (hay còn gọi là ong mật Ý) có nhiều ưu điểm hơn so với giống ong mật nội. Con to, sức tụ đàn lớn, cho khối lượng mật và phấn hoa nhiều hơn. Trung bình, giống ong nội cho khối lượng 36 kg mật/đàn/năm. Giống ong ngoại cho khối lượng gấp 4 - 5 lần, từ 130 - 165 kg/đàn/năm.
Khi bắt đầu thử sức với giống ong ngoại, ông thử nghiệm 30 đàn, kết hợp kinh nghiệm nhiều năm nuôi ong nội cộng với việc học hỏi từ những người nuôi trước ở Vĩnh Phúc, ông tập trung nhân giống, để tăng số lượng đàn. Đến nay con số đã tăng lên 70 đàn. Ông dự định, đến năm 2016 sẽ nhân lên số lượng 300 đàn. Tuy nhiên, để nhân giống nhanh, cần hạn chế lấy mật. Vì cần phải có nguồn thức ăn dồi dào để nuôi ong non.
Thực tế, ở lần lấy mật đầu tiên, ông đã thu được hơn 7 tạ mật từ 70 đàn ong mật ngoại này với giá bán cho Cty là 60.000 đồng/kg và giá bán lẻ trên thị trường từ 140.000 - 160.000 đồng/lít. Để có được nguồn mật ngon, đảm bảo chất lượng cũng như đảm bảo được số lượng mật, ông cũng phải di chuyển những thùng ong đến các vườn hoa, vườn cây khác nhau. Khi hết mùa lại chuyển đến những nơi khác, “cứ nơi nào có hoa thì ong của tôi được đến đó thưởng thức”, ông Thể chia sẻ.
Theo ông Thể, nghề nuôi ong gặp ít rủi ro hơn là chăn nuôi lợn gà, vì nó cũng ít dịch bệnh. Hơn nữa nó cũng không đòi hỏi đầu tư vốn nhiều và cũng không vất vả nhiều. Nhưng nuôi ong lại cần nhiều thời gian, sự tỉ mỉ, kiên trì và một chút khéo léo nữa. Nếu không có tính kiên trì thì chắc chắn không làm được, không thường xuyên theo dõi, để ý thì nó bỏ đi lúc nào không biết.
Ngay từ những năm 1995, mô hình nuôi ong của ông Thể đã trở thành mô hình điểm của tỉnh. Ông cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện Đồng Hỷ và của tỉnh Thái Nguyên về thành tích trong việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mô hình nuôi heo (lợn) kết hợp với thả cá đã không còn xa lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

Trong 2 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có khoảng 10 ha trồng đu đủ, trong đó xã Cam Hiệp Nam 6 ha, Cam Hiệp Bắc 2 ha và Cam Hòa 2 ha. Đu đủ là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác như mía, sắn (mỳ)… ở những chân đất cao thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới.

Ở thôn Dương Sơn xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) có mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Ngô Mạnh Hồng gồm 1,5 mẫu ruộng khoán, một khu riêng biệt nuôi gà đẻ trứng với diện tích gần 100m2, cùng với 13ha ruộng thuê để sản xuất khoai tây giống.

Men theo con đường đất chúng tôi tìm về nhà chị Bùi Thị Trạm ở xóm Dài xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn. Đón tôi là một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ nhưng khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười xởi lởi. Nhìn cơ ngơi của chị, khó ai có thể tin rằng trước đây chị là một hộ nghèo trong xã.

Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi cá lóc mà anh Thái Văn Luông (39 tuổi, ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú - An Giang) đã khá lên. Có được sự thành công ban đầu, anh mua đất đầu tư mở rộng mô hình ương nuôi cá lóc giống cũng mang lại hiệu quả cao.