Nuôi Nghêu Ở Xã Phú Hải (Hải Hà) Niềm Vui Được Mùa Chưa Trọn Vẹn

Vùng bãi triều ở xã Phú Hải (Quảng Ninh) là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho con nghêu sinh trưởng và phát triển.
Từ năm 2000 đến nay, nuôi nghêu thương phẩm đã giúp người dân Phú Hải có thu nhập ổn định, đời sống ngày một khấm khá. Tuy nhiên, người nuôi nghêu ở đây vẫn còn không ít nỗi băn khoăn, lo lắng…
Ông Phạm Văn Sinh, thôn Trung, xã Phú Hải, cho biết: “Nếu xuống giống loại nghêu 1000 con/kg đúng thời điểm tiết trời tháng 3 ấm áp thì sang tháng 5 của năm sau là cho thu hoạch.
Trọng lượng nghêu trung bình đạt khoảng 70 con/kg, có thể xuất bán. Nuôi nghêu không yêu cầu kỹ thuật cao. Người nuôi chỉ cần xuống giống đúng thời vụ, xuống không quá 400 con/m2. Nếu xuống giống đúng thời điểm tháng 3, giống nghêu lúc này khá đắt song bù lại con nghêu lại sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn so với trái vụ”.
Theo các hộ nuôi nghêu, thông thường cứ xuống 1 tấn nghêu giống sẽ thu về khoảng 10 tấn nghêu thành phẩm, bán với giá từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg. Thời điểm này, mặc dù giá nghêu trên thị trường có giảm song nếu bán vẫn đảm bảo có lãi.
Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: “Trước đây, những năm 1993 đến 1997, người dân Phú Hải chủ yếu tập trung nuôi ngao nhưng do thiếu kinh nghiệm, ngao bị chết nhiều, thu nhập kém nên nhiều hộ nuôi bỏ không làm. Sau khi con nghêu được một số hộ đưa vào nuôi cho hiệu quả cao, thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân đã quay trở lại với nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Diện tích và sản lượng nuôi trồng của xã tăng lên thấy rõ. Hiện Phú Hải có 176 ha đất bãi triều phục vụ nuôi nghêu thương phẩm. Dự kiến năm 2014, sản lượng nghêu toàn xã đạt khoảng 3000 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Nuôi nghêu cũng giúp cuộc sống người dân Phú Hải ngày một khấm khá, nhiều hộ vươn lên làm giàu”.
Tuy nhiên, niềm vui được mùa của người nuôi nghêu ở Phú Hải vẫn chưa trọn vẹn khi “đầu ra” của con nghêu chưa ổn định. “Việc thu mua nghêu thương phẩm từ nhiều năm nay phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc.
Có những lúc họ lấy hàng liên tục với số lượng lớn nhưng cũng có lúc thì ngược lại buộc chúng tôi phải trực tiếp bán cho các tiểu thương ở các chợ với số lượng nhỏ lẻ”, một hộ nuôi cho biết. Với sản lượng lớn, nghêu Phú Hải cũng được Hải Hà xác định là sản phẩm OCCOP của huyện. Những tưởng “đầu ra” cho con nghêu sẽ phần nào được giải quyết song điều này không thực hiện được.
Huyện đã cho đơn vị tư vấn, khảo sát để xây dựng phương án làm sản phẩm OCCOP “Nghêu hun khói”. Sau khi tính toán, hun khói 1 kg nghêu tươi sẽ cho 0,02 g nghêu hun khói thành phẩm, giá thành đội lên rất cao, không khả thi nên phía doanh nghiệp không làm.
Bên cạnh mối lo về “đầu ra”, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2007, khu vực bãi triều này được quy hoạch NTTS, có bản đồ và hợp đồng thuê đất cho các hộ dân. Tuy nhiên đến nay các hộ NTTS ở đây chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do khu vực này thuộc quy hoạch của Dự án khu công nghiệp cảng biển Hải Hà.
Cũng chính vì lý do này, khi đầu tư sản xuất, người NTTS ở đây một mặt không yên tâm, mặt khác cũng chịu thiệt thòi không được hưởng các chính sách ưu đãi phát triển NTTS. Trong khi đó, mức đầu tư nuôi nghêu khá lớn, từ vài trăm triệu thậm chí lên tới 2-3 tỷ đồng/vụ.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Vật tư - Kỹ thuật nông nghiệp (VTKTNN) Bình Định là một trong số 100 doanh nghiệp (DN) toàn quốc, và là 1 trong số 2 DN tại Bình Định (cùng Công ty cổ phần Xây dựng 47), vinh dự được Bộ NN&PTNT tặng danh hiệu “DN vì nhà nông” lần thứ I - 2015.

Trong 70 năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh và gặt hái những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tích cực cải thiện đời sống của người dân, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Mặc dù nhông là con vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh, thế nhưng chỉ sau vài năm thành lập Tổ hợp tác nuôi nhông xã Bình Thạnh (Bình Sơn), từ 24 thành viên, đến nay chỉ còn vài hộ giữ lại nghề này...

Khi viết bài này, tôi chợt nhớ tới tên một truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nhật Tuấn (vừa qua đời), tên truyện ngắn ấy là :“Con chim biết chọn hạt”.

Đời sống khó khăn, ngư lưới cụ phục vụ đi biển thiếu thốn, 84 hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thuộc diện di dời phục vụ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay vốn giải quyết việc làm.