Nuôi Ngao Giá Ở Vân Đồn

Ngao giá là loại ngao từ lâu đã được bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng Vân Đồn - Cô Tô khai thác theo hình thức tự nhiên với khối lượng lớn và được đánh giá là loại ngao có chất lượng ngon, nhiều thịt, có giá trị kinh tế cao. Vừa qua, Công ty TNHH Đỗ Tờ đã đưa vào nuôi thử nghiệm và sản xuất thành công giống ngao này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình nuôi giống ngao này cần được ngành chức năng xem xét, đánh giá hiệu quả.
Đến Công ty TNHH Đỗ Tờ, tại khu vực nuôi trồng thuỷ sản xã Bản Sen (Vân Đồn) chúng tôi thấy các công nhân của Công ty đang tất bật với việc chọn lọc con giống, chuẩn bị ô lồng, cát để thả nuôi ngao cho vụ nuôi mới và chăm sóc hàng nghìn lồng ngao giá. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty cho biết: “Trong những năm gần đây, khi nghề nuôi tu hài trên địa bàn phát triển với quy mô lớn, Công ty chúng tôi đã từng bước đưa vào nuôi thử nghiệm và cho sản xuất giống một số loại ngao, nghêu để bổ sung vào đối tượng nuôi. Đến nay có thể khẳng định, loài ngao giá có triển vọng rất tốt. Việc sản xuất giống ngao này đã thành công”.
Được biết, từ năm 2010, ông Đỗ Hữu Tờ đã đưa vào nuôi thử nghiệm giống ngao này với nhiều hình thức khác nhau. Khi thì nuôi lẫn với tu hài, chỗ nuôi riêng; vừa nuôi theo hình thức thả bãi, vừa nuôi hình thức lồng treo. Bước đầu, Công ty nuôi với số lượng ít và sau một năm đã cho thu hoạch. Kết quả, tại gần 100 lồng nuôi, ngao sinh trưởng tốt, không mắc dịch bệnh như một số đối tượng nuôi khác và cho trọng lượng bình quân 70-80 gam/con. Đặc biệt, ngay từ vụ nuôi đầu tiên, loại ngao này rất dễ bán và được thị trường ưa chuộng với giá bán bình quân từ 70.000-100.000 đồng/kg. Từ việc nuôi thử nghiệm thành công, ông Tờ đã tìm cách để sản xuất giống ngao này. Qua những thử nghiệm, nhiều phương pháp khác nhau, cuối cùng việc sản xuất giống đã thành công. Ngay trong năm đầu tiên, Công ty đã sản xuất được hơn 5 triệu con giống, đảm bảo nguồn giống nuôi tại Công ty. Từ năm 2012 đến nay, Công ty đã sản xuất được hơn 20 triệu con giống ngao giá. Bước đầu, Công ty đã bán cho một vài hộ dân nuôi thử nghiệm giống ngao này với giá bán từ 900-1.000 đồng/con giống.
Ông Đỗ Hữu Tờ cho biết thêm: Năm 2012, Công ty đã có thu hoạch hơn 10 tấn ngao giá. Đây là giống ngao sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, có khả năng kháng bệnh tốt và được thị trường ưa chuộng. Thời gian nuôi từ 12-13 tháng là cho thu hoạch, bình quân đạt 70-80 gam/con; nhiều lồng nuôi có những con đạt hơn 100 gam. Vụ vừa rồi, Công ty bán ra thị trường với giá bình quân từ 70.000-100.000 đồng/kg. Đặc biệt, giống ngao này rất dễ nuôi và đầu tư chi phí thấp do không tốn công chăm sóc, chi phí lồng nuôi, giống, cát rẻ. Có thể tận dụng cát sau thu hoạch tu hài và có thể thả nuôi với mật độ dày từ 130-150 con/lồng. Sản lượng bình quân đạt gần 200 tấn ngao thương phẩm/ha. Cũng theo ông Tờ, ngao giá có thể là bước đệm từng bước thay thế cho nuôi tu hài hiện nay sau những thiệt hại to lớn đối với người nuôi tu hài vừa qua.
Việc áp dụng các đối tượng nuôi mới, phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân là cần thiết. Tuy nhiên, để nhân rộng đối tượng nuôi này cần có sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và địa phương. Cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ và có những đánh giá khoa học trong việc nhân giống; kiểm soát tình hình dịch bệnh và tránh tình trạng thả nuôi ồ ạt thiếu quy hoạch để tránh những rủi ro lớn cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai vừa triển khai Dự án nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Bắc Hà (thuộc xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà) với sự tham gia của 17 hộ dân, thể tích các lồng đạt 680 m3 nước.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu thuốc thú y. Tuy nhiên, ở khâu phân phối nhiều cửa hàng thuốc thú y không làm tốt khâu bảo quản đã làm ảnh hưởng đến chất lượng; trong khi đó, một số cửa hàng bán nhiều loại thuốc khác nhau nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở ngành và địa phương thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020.

Các hộ tham gia được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, sử dụng bột ngô phối trộn, ngâm ủ với cám gạo hoặc lúa nghiền và thức ăn đậm đặc để nuôi lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nên không có dịch bệnh xảy ra. Nhờ đó đàn lợn khoẻ mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, tăng trọng nhanh.

Gom cá giống đưa đi các tỉnh xa có nhiều rủi ro nhưng với ai thạo nghề vẫn có lãi. Đó là chia sẻ của những người làm nghề thu mua cá giống tại xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Nhờ "đội quân" này mà các ao nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc có đủ nguồn giống để sản xuất.