Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi lươn thời tái cơ cấu

Nuôi lươn thời tái cơ cấu
Ngày đăng: 20/06/2015

Tái cơ cấu nông nghiệp, có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Đồng Tháp trong thời gian gần đây.

Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện tái cơ cấu. Trong đó, huyện vùng sâu Tam Nông được tỉnh chọn là nơi thí điểm để tái cơ cấu đối với ngành hàng lúa gạo.

Tuy nhiên, không chỉ có bà con trồng lúa mà các hộ làm kinh tế nông nghiệp khác cũng đang bắt đầu có những thay đổi từ tư duy đến cách làm để phù hợp với xu hướng phát triển mới.

Nhiều hộ dân đang chuyển dần từ hình thức kinh tế cá thể, đơn lẻ sang hình thức liên kết, tập hợp lại để cùng SX. Quan trọng hơn, mọi người cùng hợp tác trên tinh thần tự nguyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm.

Điều này chứng tỏ rằng, người dân đang dần thấy được những lợi ích của liên kết SX theo đúng như mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai.

Tổ hợp tác nuôi lươn tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông là một điển hình cho mô hình tự nguyện liên kết như vậy. Tuy mới thành lập từ đầu năm 2014 nhưng số thành viên của tổ đã lên đến 36 hộ. Đa phần các hộ này có nhà ở gần nhau, họ tận dụng những khoảng sân trống xung quanh nhà để xây những bể nuôi lươn.

Với diện tích mỗi bể từ 12 - 15 m2, cả tổ hợp tác có tất cả gần 200 bể, người nuôi nhiều nhất lên đến 20 bể, người nuôi ít thì 1 - 2 bể, sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm lên đến hơn 40 tấn lươn thương phẩm.

Đặc biệt, tất cả đều nuôi lươn theo mô hình tận dụng thân cây bắp làm giá thể, đây là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Theo ông Phan Văn Chuối, Tổ trưởng tổ hợp tác, tổ được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ nuôi.

Trước đây, khi chưa liên kết lại, người nuôi khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước do nuôi nhỏ lẻ, không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, người nuôi cũng không được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi do không tập trung đủ số lượng.

Quan trọng nhất là do không liên kết với nhau nên người nuôi dễ bị thương lái ép giá, phân loại kích cỡ thương phẩm không hợp lý, thiếu kinh nghiệm nuôi, dẫn đến thua lỗ.

Xuất phát từ tình hình đó, kết hợp với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con nuôi lươn tại xã Phú Thành A đã chủ động liên kết lại thành lập Tổ hợp tác, bầu ra Tổ trưởng, Tổ phó để điều hành hoạt động của tổ.

Những lợi ích bước đầu của người nuôi khi tham gia vào tổ hợp tác là rất đáng khích lệ.

Đầu tiên, phải nói đến việc các thành viên của tổ đã được Hội Nông dân tỉnh thẩm định và cho vay ưu đãi, không cần thế chấp với tổng số tiền lên đến 300 triệu, trong đó hộ được vay nhiều nhất là 30 triệu đồng, với lãi suất 0,7%/tháng và trả vào mỗi quý.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong năm 2015 Tổ hợp tác còn được Trạm Thủy sản huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật mới, đồng thời luôn có cán bộ kỹ thuật theo dõi, giúp đỡ bà con khi có dịch bệnh xảy ra.

Không còn cảnh cạnh tranh mua bán không lành mạnh, thương lái cũng không thể ép giá khi mà người nuôi đã có Tổ hợp tác làm đại diện. Thấy được lợi ích thiết thực khi cùng nhau liên kết SX, dự kiến số lượng thành viên của tổ sẽ ngày càng tăng...

Từ ngày thành lập tổ, cuộc sống của bà con nơi đây thay đổi rõ rệt. Cuộc sống nhiều gia đình trở nên sung túc hơn, có công việc ổn định, tệ nạn xã hội cũng giảm đáng kể. Nhà nào cũng tranh thủ đất trống xây vài bể nuôi, thậm chí có hộ tận dụng sàn nhà để làm bể.

Có thể thấy rằng, đây là một mô hình kinh tế hộ phù hợp với người dân địa phương, những người không có đất canh tác. Không chỉ tận dụng được phụ phẩm từ cây bắp, tận dụng thời gian nhàn rỗi mà đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nếu mỗi xã đều hình thành được một tổ hợp tác như vậy thì trong tương lai không xa, việc hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến thị trường đối với con lươn Tam Nông sẽ sớm trở thành hiện thực.

Lợi ích lớn nhất là thông qua Tổ hợp tác, sự đoàn kết của người dân được thắt chặt, người nuôi giỏi, nhiều kinh nghiệm tận tình hướng dẫn chia sẻ cho những người mới bắt đầu, nhờ vậy đa phần các thành viên của tổ đều đạt lợi nhuận cao.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Cá Tra Năm 2015 Khó Bứt Phá Xuất Khẩu Cá Tra Năm 2015 Khó Bứt Phá

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt 1,76 tỷ USD, chỉ tăng 0,4% so với năm 2013. Quý I/2015, xuất khẩu cá tra chưa có dấu hiệu hồi phục do thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng, nội tại ngành cá tra còn nhiều bất cập và đang chịu tác động của một số chính sách mới.

03/03/2015
Khẩn Trương Đổi Mới Ngành Mía Đường Việt Nam Khẩn Trương Đổi Mới Ngành Mía Đường Việt Nam

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư sản xuất tại Lào vào Việt Nam. Dưới góc độ nhiều năm làm công tác quản lý Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường nội địa, thương mại biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã có bài viết quan trọng về vấn đề trên.

03/03/2015
Trồng Ớt Vụ Đông Xuân Cho Thu Nhập Khá Trồng Ớt Vụ Đông Xuân Cho Thu Nhập Khá

Còn gia đình ông Nguyễn Nguyên Hữu ở thôn 3, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 4 sào đất canh tác nông nghiệp, nhưng cứ vào vụ đông xuân là ông bỏ đất trắng vì trồng ngô, hoa màu thì không đủ nước tưới. Do vậy, năm nay, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt chỉ thiên.

03/03/2015
Chương Trình Tái Canh Cà Phê Kết Quả Bước Đầu Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ Chương Trình Tái Canh Cà Phê Kết Quả Bước Đầu Và Những Bất Cập Cần Tháo Gỡ

Theo tổng hợp từ các địa phương, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 24.658 ha cà phê cần tái canh; trong đó, diện tích cà phê trên 30 năm là 568 ha, diện tích cà phê trên 25 năm là 1.969 ha, diện tích trên 20 năm là 5.568 ha và trên 15 năm là 16.553 ha.

03/03/2015
Mường Nhé Bảo Vệ Đàn Gia Súc Mường Nhé Bảo Vệ Đàn Gia Súc

Mùa đông tại huyện Mường Nhé thường rét giá, nhất là các xã vùng cao, nhiệt độ thường chênh lệch từ 2 – 30C so với các huyện khác. Đó là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, bởi gia súc có thể bị chết rét, chết đói vì thiếu nguồn thức ăn dự trữ. Mùa đông cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều dịch bệnh: thương hàn, tụ huyết trùng...

03/03/2015