Nuôi Lươn Không Bùn Cho Giá Trị Kinh Tế Cao

Gần đây, được sự hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương, nhiều nông dân ở xã An Sơn, TX.Thuận An đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn cho giá trị kinh tế cao.
Anh Lê Đình Ngọc Sơn ở ấp Phú Hưng là người nuôi lươn không bùn đầu tiên ở xã An Sơn từ năm 2012. Trước đây anh Sơn chăn nuôi heo nhưng không hiệu quả do giá cả không ổn định và hay bị dịch bệnh.
Trong thời gian này anh Sơn đã đi tham quan nhiều nơi để tìm kiếm, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi mới. Sau nhiều chuyến tham quan anh đã mạnh dạn chọn mô hình nuôi lươn không bùn.
Tận dụng những dãy chuồng heo sẵn có anh Sơn đã xây thành 10 hồ xi măng, mỗi hồ có diện tích 6m2 để chuyển qua nuôi lươn. Hiện anh Sơn đang nuôi 400kg lươn giống với nhiều kích cỡ, đã có một số lượng lươn lớn có thể xuất bán. Dự tính từ 400kg lươn giống này sau 6 -7 tháng nuôi anh sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Để nuôi lươn không bùn, trong những hồ xi măng anh Sơn đặt vào vỉ tre và những chùm dây ni lông để tạo môi trường sống cho lươn. Anh Sơn cho biết, lươn là loài sống ở bùn ngoài tự nhiên nên khi đem lươn vào nuôi trong hồ xi măng không phải là chuyện dễ.
Điều khó nhất khi nuôi lươn không bùn chính là nguồn nước phải sạch, độ pH và lượng oxy trong nước phải được xử lý phù hợp thì lươn mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Giai đoạn đầu mới thả con giống (trong vòng 1 tháng đầu) là giai đoạn quan trọng quyết định thành công.
Giai đoạn này lươn tiếp xúc với môi trường mới nên dễ bị sốc nước, nếu người nuôi không có kinh nghiệm thì lươn có thể bị chết nhiều, có khi chết đến 90%. Thức ăn cho lươn là cá biển, cá tạp và cám công nghiệp, mỗi ngày cho lươn ăn một cữ vào một giờ nhất định vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Sau khi cho lươn ăn khoảng 3 giờ thì phải thay nước.
Trong quá trình nuôi lươn còn có thể bị bệnh đường ruột và bệnh ghẻ nên ngoài việc xử lý oxy và độ pH thì anh Sơn còn cho muối và vitamin C hòa tan vào hồ để tăng cường sức đề kháng cho lươn.
Cứ sau một tháng nuôi thì phải phân loại riêng từng kích cỡ để lươn phát triển được đồng đều. Sau 6 - 7 tháng nuôi thì lươn bắt đầu xuất bán, lúc này lươn đạt trọng lượng khoảng 3 con được 1kg. Hiện giá bán cho thương lái là 120.000 đồng/ kg và đầu ra được tiêu thụ dễ dàng.
Tháng 12-2013 anh Sơn được Hội Nông dân xã An Sơn cho vay 30 triệu đồng, anh đã có điều kiện thả thêm con giống và mua thức ăn phát triển trại nuôi lươn của mình.
Được biết hiện nay tại xã An Sơn đã có 17 hộ được vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân của tỉnh, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để đầu tư vào mô hình nuôi lươn không bùn. Một khi người nông dân nắm vững kỹ thuật nuôi lươn không bùn thì đây là một mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao cần nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Thái Lan và Việt Nam hiện chiếm khoảng một nửa trong tổng số 35 triệu tấn gạo được buôn bán trên thế giới trong năm 2011, nhưng nhìn chung xuất khẩu gạo của hai nước này có phần giảm sút do Ấn Độ đang nắm giữ một thị phần ngày một ngày lớn trên thị trường gạo thế giới.

Dịp niên vụ cà phê 2011-2012 vừa kết thúc, chúng tôi tới thăm một số nông trường thuộc Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An. Vui, vì đi tới đâu cũng thấy nông trường viên hồ hởi, bởi đây là vụ cà phê được mùa, được giá nhất từ trước tới nay.

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Hòa Bình đang thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi. Từ nguồn vốn của quỹ, nhiều hộ dân đã gia tăng được đàn trâu, bò.

Những năm qua, nghề trồng nấm ở tỉnh Ninh Bình phát triển khá mạnh, nhất là ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan. Nhờ trồng nấm nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài chính cần hỗ trợ khoảng 10.000 tỷ đồng để thu mua hết cá tra nguyên liệu của nông dân, trong đó 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có nhà máy chế biến nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân và cứu người nuôi cá.