Nuôi lợn trong chuồng lạnh
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp anh Nhật cho biết, năm 1997 vợ chồng anh mua chịu 12 con lợn giống về nuôi. Bao nhiêu hy vọng về lứa lợn đầu tiên đã “tan thành mây khói” khi đàn lợn chết một nửa vì dịch bệnh. Sau thất bại này, anh đến các trang trại chăn nuôi lớn ở Khoái Châu, Văn Giang để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi nên hạn chế được bệnh dịch.
Năm 2010, gia đình anh Nhật mở rộng quy mô, đầu tư vốn xây dựng hệ thống chuồng lạnh để chăn nuôi lợn. Đây là hệ thống chuồng trại nuôi kín, có hệ thống quạt hút gió, có giàn mát nhằm điều hòa nhiệt độ trong chuồng dao động ở mức 27 - 30 độ C. Hệ thống chuồng lạnh của gia đình anh Nhật được chia làm các khu: Khu lợn nái, khu lợn úm và lợn thịt. Anh Nhật cho hay, kinh phí đầu tư hệ thống chuồng lạnh này rất tốn kém, khoảng 2,8 triệu đồng/m2.
Tận mắt chứng kiến khu chuồng trại của gia đình anh Nhật, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự hiện đại, quy mô của trang trại này. Tại khu lợn thịt, anh bố trí 4 - 5 quạt hút gió, hệ thống đèn điện thắp sáng khắp chuồng để đảm bảo nhiệt độ luôn ổn định. Cuối chuồng, anh còn bố trí một bể nước để lợn tắm. Bể tắm này được rắc men vi sinh để khử mùi và được thay nước vào cuối ngày. Tại chuồng lợn nái, anh bố trí thành 2 khu lợn chửa và lợn đẻ. Trước khi lợn sinh khoảng 1 tuần, anh chuyển lợn chửa sang khu lợn đẻ để ổn định. Khu lợn đẻ được bố trí trên sàn cách nền chuồng khoảng 50 - 70cm.
Anh Nhật chia sẻ, trong quá trình chăn nuôi, để lợn tránh được nhiều dịch bệnh thì phải tiêm vắc xin đầy đủ. Hiện nay, gia đình anh có 150 con lợn nái, khoảng 1.000 con lợn thịt. Lợn nái đẻ được bao nhiêu lợn con gia đình anh để lại nuôi bấy nhiêu. Lợn thịt từ trang trại của anh được cung cấp cho các siêu thị tại Hải Phòng.
Bên cạnh chăn nuôi lợn, vợ chồng anh Nhật còn có gần 1 mẫu ao để thả cá, mỗi năm thu được khoảng 70 triệu đồng. Anh chị còn trồng 30 cây nhãn Khoái Châu, vụ năm nay thu hoạch được một tấn trị giá 25 triệu đồng. Tính trung bình mỗi năm, mô hình vườn ao chuồng đã mang lại cho gia đình anh lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Gia đình anh còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhận xét về mô hình trang trại của gia đình anh Nhật, ông Nguyễn Hữu Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đình Cao khẳng định: Gia đình anh Nhật là một trong những hộ đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trên địa bàn xã. Mô hình nuôi lợn trong “chuồng lạnh” của gia đình anh Nhật đã mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của địa phương.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Nhật cho biết sẽ đầu tư xây dựng thêm một hệ thống hầm Biogas trên 1.500m3 nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2003, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre triển khai trồng thực nghiệm cây mía trên vùng đất gò cao bị nhiễm phèn, mặn của xã Bình Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) với khoảng 2 ha, sau đó, bà con nông dân địa phương thực hiện như một phong trào chuyển đổi cây trồng, bởi cây mía là một cây trồng mới, có hiệu quả thiết thực…

Sau vụ mùa actiso được giá nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, người trồng actiso ở phường 12-Tp.Đà Lạt (nơi có diện tích actiso nhiều nhất Đà Lạt) lại đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay, dù mới chỉ xuống giống từ đầu tháng 5.

Trồng ngô thâm canh mật độ cao (ngô trồng dày) là một biện pháp canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngô trên đơn vị diện tích. Tại Anh Sơn (Nghệ An), mô hình này đã triển khai cho bà con sản xuất hơn 1 năm qua với tổng diện tích gần 250 ha. Từ hiệu quả bước đầu, trồng ngô mật độ cao đang mở hướng phát triển mới cho bà con vùng bãi.

Trước thực trạng dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người dân. Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô 6 ao, tổng diện tích là 22.000m². Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,54 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 611 triệu đồng, người dân và doanh nghiệp đối ứng hơn 933 triệu đồng.

Cũng là làm nông, nhưng từ lâu trồng cây bông lài đối với những người ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được xem là một nghề truyền thống. Bởi, cây bông lài được trồng tập trung ở một vài khu vực vùng ven thành phố và hầu hết các hộ trồng lài đều đã có thâm niên trong nghề ít nhất là từ 10 - 40 năm. Nghề trồng bông lài không phải nhọc nhằn một nắng hai sương, nhưng nguồn thu mang lại khá cao và ổn định.