Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Lợn Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Giúp Hàn Gắn... Tình Làng Nghĩa Xóm

Nuôi Lợn Sử Dụng Đệm Lót Sinh Học Giúp Hàn Gắn... Tình Làng Nghĩa Xóm
Ngày đăng: 15/07/2013

Ưu điểm của đệm lót sinh học (ĐLSH) là khử mùi phân, tiết kiệm công rửa chuồng; lợn, gà nhanh lớn, hạn chế bệnh tật... Không chỉ vậy, việc áp dụng ĐLSH ở xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) đã giải “bài toán” các hộ kiện cáo, đánh chửi nhau vì ô nhiễm môi trường.

Mất tình làng xóm vì ô nhiễm

Ông Khổng Quang Chư – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết, xã có tổng đàn lợn khoảng 30.000 con/năm và khoảng 1 triệu con gia cầm/năm, với 1.200 hộ chăn nuôi. Nhưng mới có gần 158 hộ làm hầm biogas, còn lại đa số các hộ thải trực tiếp phân tươi ra hố phân, vườn, thậm chí thải trực tiếp ra cống rãnh, nên nhiều năm nay vấn đề ô nhiễm ở xã rất nhức nhối.

“Trước đây, hầu như tháng nào chúng tôi cũng nhận được đơn phản ánh, kiện cáo của người dân về các hộ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng các hộ xung quanh. Không chỉ vậy, do bức xúc nên người dân đánh, chửi nhau, chúng tôi rất vất vả đi giải quyết. Sau đó các hộ cam kết giữ đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng vì chưa có cách nào hiệu quả, làm hầm biogas thì tốn tiền, nên tình trạng ô nhiễm, kiện cáo, đánh chửi nhau vẫn xảy ra liên miên...” – ông Chư cho hay.

Anh Trần Duy Đồng (thôn Liêm) mặc dù chỉ nuôi 4 lợn nái, 10 lợn thịt/lứa và phân thải ra ao cho cá ăn, nhưng lượng phân dư thừa vẫn gây ô nhiễm, nhất là những ngày trời nồm, gió nam, mùi hôi thối nồng nặc thổi thốc vào nhà khiến những hộ xung quanh không thể chịu nổi, bức xúc phản ánh. Góp ý không được, dẫn đến đánh, chửi nhau... “Trước đây nhà tôi chăn nuôi theo lối truyền thống, ô nhiễm lắm, biết vậy nhưng vì chưa có cách nào khắc phục nên đành làm liều. Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các hộ chăn nuôi trong khu dân cư đều gây ô nhiễm, chỉ vì chăn nuôi mấy con lợn mà mất anh em, tình làng xóm” – anh Đồng bày tỏ.

Ông Nguyễn Xuân Công – Trưởng ban Thú y xã Vũ Bản thừa nhận: “Hầu hết các hộ chăn nuôi trong khu dân cư, ít nhiều đều gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Nếu không có chương trình ĐLSH, việc chăn nuôi ở xã khó có thể phát triển được”.

Giải được “bài toán” khó

Bà Trần Thị Sâm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Bản (tổ chức được xã giao nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn người dân làm ĐLSH) cho biết, lúc đầu khi triển khai chương trình ĐLSH đến các hộ dân, Hội gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất do nhận thức của hạn chế, nên bà con không mặn mà. Thứ hai, do ngại phải cải tạo chuồng, thứ nữa là chưa hiểu hết công dụng của ĐLSH, nên mặc dù được tỉnh hỗ trợ 165.000 đồng/m2 chuồng, nhưng các hộ vẫn từ chối triển khai.

“Năm 2011, tôi là người đầu tiên triển khai mô hình dùng ĐLSH trong chăn nuôi lợn. Sau một thời gian, thấy chuồng lợn của tôi không có mùi, lợn lại nhanh lớn, ít bệnh tật, lại giảm được công dọn chuồng, nên 3 chi hội trưởng của 3 thôn đăng ký làm. Đến cuối năm 2012, xã đã có 153 mô hình, các hộ xung quanh thấy “chuồng không mùi, lợn không phải tắm”, nên đua nhau đăng ký. Từ đầu năm đến nay, xã đã có thêm 300 mô hình, đã phần nào giải quyết được tình trạng ô nhiễm, hạn chế được các vụ kiện cáo, đánh chửi nhau” – bà Sâm thông tin.

Theo công thức làm chuồng ĐLSH, cứ 20m2 chuồng/kg men vi sinh. Men vi sinh trộn với khoảng 5kg bột ngô, để con men phát triển, sau đó trộn mùn cưa, trấu (50/50%) dày từ 55 – 60cm, rồi tưới nước giữ ẩm, khoảng 2 ngày sau, thọc tay xuống lớp mùn thấy nóng thì thả lợn vào nuôi. Tuy nhiên, để thuận tiện việc cho lợn ăn và có nơi để lợn nằm mát, khi làm chuồng nên để lại một khoảng rộng 1,2 – 1,5m dài theo chiều chuồng.

Ông Hoàng Xuân Đống (thôn Tiền) đang áp dụng 30m2 chuồng ĐLSH, nuôi 4 lợn nái và 30 lợn thịt, phấn khởi cho hay: “Dùng ĐLSH để nuôi lợn nái thì hết ý, vì lợn con đẻ ra cần ấm, từ khi áp dụng ĐLSH, đàn lợn con của tôi rất khỏe mạnh”. Ông Đống cho biết thêm: “Trong 30 con lợn thịt, tôi tách 8 con ra nuôi chuồng nền xi măng để thử nghiệm. Sau 3 tháng, kết quả giảm được 1,5kg thức ăn/bữa, tương đương 24.000 đồng, đồng thời đàn lợn nuôi ĐLSH đạt 50kg, trong khi đàn lợn nuôi thường 45kg”


Có thể bạn quan tâm

Cần quản lý tốt môi trường ao nuôi tôm Cần quản lý tốt môi trường ao nuôi tôm

Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh tràn lan đã gây thiệt hại lớn đối với người nuôi tôm trong tỉnh Khánh Hòa. Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng nước, môi trường ao nuôi chưa được quản lý tốt.

13/11/2015
Giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra Giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra

Nhận thấy giải pháp tối ưu để phát triển bền vững sản xuất cá tra nhằm đảm bảo lợi ích cho cả người nuôi và nhà chế biến là xây dựng mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp (DN) và các thành phần cung ứng dịch vụ trong chuỗi sản xuất.

13/11/2015
Năng suất cá thâm canh đạt 15 tấn/ha/vụ Năng suất cá thâm canh đạt 15 tấn/ha/vụ

Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) vừa tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi cá thâm canh trên diện tích hơn 20 ha tại các xã Đông Lỗ, Hợp Thịnh, Thái Sơn (Hiệp Hòa).

13/11/2015
Khai thác thủy sản trong 10 tháng năm 2015 đạt trên 76.300 tấn Khai thác thủy sản trong 10 tháng năm 2015 đạt trên 76.300 tấn

Tình hình thời tiết trong thời gian qua tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với việc tiếp tục giải quyết kịp thời chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ đã khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển.

13/11/2015
THT nghề nuôi cút xã Long An từng bước khẳng định thương hiệu THT nghề nuôi cút xã Long An từng bước khẳng định thương hiệu

Tổ hợp tác (THT) nghề nuôi cút xã Long An (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) do các cựu chiến binh (CCB) làm nòng cốt.

13/11/2015