Nuôi Lợn Rừng Thái Lan Lai Cho Thu Nhập Cao

Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô nông hộ tại huyện Phổ Yên (Thái Nguyên)” nằm trong Chương trình Phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi do Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên triển khai trong 2 năm (từ tháng 1/2011 đến hết năm 2012) đã mang lại hiệu quả rõ nét. Dự án đã tạo ra những mô hình điểm về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Chín, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên cho biết: Những năm gần đây, lợn rừng và lợn rừng lai đã được một số hộ dân trên địa bàn huyện đưa vào nuôi. Tuy nhiên, đó chỉ là chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, thả rông, năng suất không cao. Từ thực tế đó, chúng tôi đã xây dựng Dự án Phát triển chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai tại địa phương để tạo nguồn cung cấp con giống và chuyển giao kỹ thuật cho người dân nhằm phát triển thành vùng sản xuất cung cấp thịt lợn rừng lai.
Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với UBND 3 xã tham gia thực hiện Dự án gồm: Đồng Tiến, Đắc Sơn và Trung Thành để kiểm tra trực tiếp các hộ đăng ký tham gia và lựa chọn được 8 hộ đáp ứng đủ các tiêu chí như: mỗi hộ có từ 1 - 2 lao động dành riêng cho chăn nuôi lợn; diện tích vườn bãi rộng trên 480 m2, diện tích chuồng chăn nuôi trên 30 m2; vốn tự có 30 triệu đồng/hộ; có ít nhất 6 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn. Các hộ tham gia được hỗ trợ 60% giống, 40% thuốc sát trùng, 80% vác xin phòng bệnh và được hướng dẫn 100% kỹ thuật chăn nuôi.
Lợn rừng Thái Lan lai nuôi lấy thịt được lấy giống từ quá trình lai giữa lợn cái rừng Việt Nam với lợn đực rừng Thái Lan. Lợn rừng lai dễ nuôi, có khả năng thích nghi với địa thế vùng đồi thấp. Đặc biệt, giống lợn này có nhiều ưu điểm hơn so với các giống lợn rừng thuần như: số con sinh ra nhiều gấp 1,5 lần, tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất chuồng đạt trên 90%. Mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa/con nái và mỗi lứa đẻ 6 - 7 con. Lợn thương phẩm được xuất chuồng sau 6 tháng, trọng lượng trung bình đạt khoảng 20 kg/con. Thịt lợn rừng lai có tỷ lệ nạc cao, chỉ có một lớp mỡ mỏng ngay dưới lớp bì, bì lợn giòn thơm. Do vậy, so với thịt lợn rừng thuần, giá thịt lợn rừng lai cao hơn từ 20 - 25 nghìn đồng/kg.
Anh Nguyễn Sỹ Trung (xã Đồng Tiến) một trong 8 hộ tham gia Dự án, người có 3 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng thuần cho biết: Việc chăn nuôi lợn rừng nên áp dụng ở những gia đình có diện tích đất làm chuồng và bãi chăn thả rộng. Do lợn rừng có đặc tính hoang dã, thích được thả rông, đào bới, làm tổ đẻ trong hốc cây, bụi rậm nên cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện, trị bệnh đặc biệt là bệnh kí sinh trùng cho đàn lợn. Lợn rừng lai có trọng lượng lớn, giá thành thịt cao hơn vì vậy hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với lợn rừng thuần. Với gần 1 ha chuồng trại sẵn có của gia đình, thời gian tới, tôi sẽ dành 2/3 diện tích đó để nuôi lợn rừng, dự định cung cấp cho thị trường trên 5 tấn thịt thương phẩm/năm.
Cùng tham gia Dự án, anh Đặng Đức Kiên (xã Đồng Tiến) chia sẻ: Tuy chi phí đầu tư cho giống, chuồng trại cao nhưng nguồn thức ăn của lợn rừng rất đơn giản, ít tốn kém, chỉ gồm cám gạo, rau xanh, rau chuối, các sản phẩm phụ nông nghiệp. Với giá thành thị trường là 150.000 đồng/kg như hiện nay, một con lợn mẹ có thể cho lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Trong 2 năm tham gia Dự án, với 5 con lợn cái và 1 con lợn đực giống ban đầu, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng lãi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình này, đồng thời sẽ tuyên truyền, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm với bà con có nhu cầu chăn nuôi…
Đánh giá về dự án, bà Chín cho biết: Dự án “Phát triển chăn nuôi lợn rừng Thái Lan lai quy mô hộ gia đình” đã khẳng định được hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lợn rừng lai trên địa bàn toàn huyện nhằm giải quyết việc làm cho người nông dân, tạo vùng sản xuất hàng hóa, góp phần tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mô hình chăn nuôi hỗn hợp gồm heo rừng lai, gà, ngan Pháp, bồ câu Pháp và cá trê lai đã giúp gia đình ông Hà Kim Nhàn, 53 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Đến thăm trang trại nuôi chim bồ câu của anh Phan Văn Hoài ở kiệt 154, đường Nguyễn Du, thành phố Đông Hà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh.

Ngày 11/9, đoàn công tác của Viện Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng làm trưởng đoàn đã tiến hành nghiệm thu Dự án chăn nuôi gà thịt lông màu đảm bảo an toàn sinh học tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch số 3106/KH-UBND về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm và Niu-cát-xơn (còn gọi là bệnh gà rù) đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2020.

UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận về chủ trương theo đề xuất của Sở Kế hoạch và đầu tư về việc bổ sung quy mô dự án “Thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi ven sông Hồng (xã Văn Khê và Hoàng Kim, huyện Mê Linh)".