Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi lợn (Heo)

Nuôi Heo Trong Phòng Lạnh

Nuôi Heo Trong Phòng Lạnh
Ngày đăng: 01/01/2012

Trước đây, Báo Vĩnh Long đã có thông tin về mô hình này, tuy nhiên đáp ứng yêu cầu của một số độc giả, phóng viên đã trở lại Trại chăn nuôi và phát triển heo giống cao sản siêu nạc Đại Á - thuộc ấp Lung Đồng, xã Phú Lộc- Tam Bình, gặp chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- chủ trang trại này.

Heo khoái ở phòng có máy lạnh

Hiện trang trại đang ngổn ngang công việc do đang mở rộng thêm diện tích chuồng trại. Khách tham quan và cả những cán bộ kỹ thuật ở đây đều nhất nhất tuân thủ nguyên tắc vệ sinh nhất định. Bất cứ ai bước vào khu vực chuồng cũng phải khoác trên mình thêm một bộ đồ chống khuẩn, mang thêm đôi ủng cao cổ đi qua ao nước tiệt trùng.... Theo chị Hạnh, có thế mới tránh được vi khuẩn cơ hội “ăn theo” gây bệnh cho heo.

Trang trại được xây dựng vào năm 2006 với khu chuồng ban đầu có diện tích khoảng 250m2,được thiết kế nhiều ngăn riêng biệt, mỗi ngăn kích cỡ 2,5m x 3,5m. Tất cả các phòng đều được đóng kín để giữ được độ lạnh. Phía đầu trước dãy chuồng được thiết kế 2 dàn máy làm lạnh hơi nước ở 2 bên. Phía đằng sau có gắn 4 máy quạt cỡ lớn liên tục quay. Anh công nhân kỹ thuật chỉ tay vào các hộp trắng treo trên tường nói: “Tất cả những thứ này đều là hệ thống tự động. Khi thiếu nước hoặc độ lạnh không đủ, hệ thống này sẽ tự động báo và điều khiển các phương tiện kỹ thuật cần thiết để điều hòa lại nhiệt độ, giữ mức trung bình 27 độ C”.

Anh Lê Tiến Dũng, chồng của chị Hạnh cũng là “chuyên viên kỹ thuật” ấn thử vào một cái que treo lơ lửng, chỉ trong tích tắc, một cái quạt khác hỗ trợ tự động quay. Anh Dũng cho biết: “Đây là que cảm ứng từ, dùng để đo nhiệt độ trong chuồng. Cũng theo anh Dũng, chuồng được thiết kế phòng lạnh và tự động hóa sẽ tạo nên một môi trường khá lý tưởng cho con vật nuôi. Hiện tại trang trại nuôi trên 1.000 heo, trong số này 150 heo nái và 30 heo nọc, còn lại heo thịt. Nhưng chỉ có 30 heo nọc được “ưu tiên” ở phòng lạnh. Theo anh Dũng, tất cả heo nọc đều nhập từ Mỹ, Pháp, Bỉ nên nó quen với thời tiết bên ấy. Đầu tư hệ thống chuồng có phòng lạnh là rất tốn kém, chỉ có 30 heo nọc đã “đứt ngót nghét gần nửa tỉ đồng. Nếu có điều kiện về vốn, cho tất cả heo ở... phòng lạnh thì nó sẽ rất mau lớn.

Và tăng trọng

Anh Dũng cho biết: Con heo cũng như các con vật khác ở điều kiện tốt chắc chắn sẽ mau lớn hơn nhiều so với điều kiện nuôi bình thường. Đặc biệt là heo nọc, ở phòng lạnh giảm được stress, tinh trùng ổn định; đồng thời lực tốt nên phối giống heo nái đậu sai, chất lượng heo con tốt, phát triển nhanh nhưng đảm bảo nạc hóa. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm, là người chuyên bán thức ăn gia súc ở Vĩnh Long, từng nghe người chăn nuôi than vãn chuyện heo nái gieo tinh khó đậu, đẻ ít con, lớn lên bị mỡ nhiều bán mất giá hơn heo nạc; trong khi chuyện nạc hóa đàn heo ở tỉnh đã triển khai đến người dân nhưng vẫn ít người chăn nuôi quan tâm và chưa ai chú ý đến chất lượng tinh trùng của heo nọc. Vì thế, ảnh hưởng đến việc chậm phát triển của heo con, người chăn nuôi bị lỗ...

Nhờ chú trọng đến chất lượng giống ngay từ đầu và môi trường tốt nên heo của trang trại phát triển nhanh. Heo con từ cai sữa đến xuất chuồng, chỉ mất trung bình 3– 3,5 tháng là vào tạ (100kg). Hiện trang trại mỗi tuần xuất chuồng khoảng 50 con heo thịt. Song do heo đạt nạc trên 70% nên bán giá cao hơn nuôi heo bình thường từ 300– 350 ngàn đồng/tạ .

Nói về hướng tới, anh Dũng cho biết, trang trại mở rộng chuồng nuôi thêm 60 con heo nọc nhập ngoại và đầu tư phương tiện như: máy đo nồng độ và số lượng tinh, kính hiển vi để xem hoạt lực của tinh trùng heo nọc... trước khi cho thụ tinh. Ngoài để gieo giống cho đàn heo nái trang trại, sẽ bán tinh trùng cho bà con chăn nuôi có nhu cầu.

Phát triển chăn nuôi nhưng trang trại cũng luôn quan tâm đến môi trường. Anh Dũng xây hệ thống biogas xử lý phân heo lấy khí gas phục vụ nấu nướng ở trại và còn dư gas cho 5 hộ xung quanh xài. Còn nước từ hệ thống biogas (qua xử lý) tràn ra thì tiếp tục cho qua hệ thống xử lý sinh học lần nữa mới cho thoát ra ngoài nên môi trường tương đối ổn. Anh Dũng còn dự tính khi đàn heo tăng lên, lượng khí biogas đủ, sẽ đầu tư xây dựng máy phát điện chạy từ gas. Làm như vậy sẽ giảm chi phí rất nhiều cho mô hình.

Mô hình nuôi heo trong phòng lạnh của Trại chăn nuôi và phát triển heo giống cao sản siêu nạc Đại Á đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và nó mở ra thêm mô hình, cách chăn nuôi mới cho người chăn nuôi nghiên cứu, học hỏi.


Có thể bạn quan tâm

Chữa Bệnh Liên Cầu Khuẩn Lợn Chữa Bệnh Liên Cầu Khuẩn Lợn

Khi lợn bị mắc liên cầu, dùng thuốc Lincogen.LA, kết hợp với một trong các loại thuốc dùng để phòng bệnh nêu trên. Tiêm bắp cho lợn mỗi loại 0,5 ml/ lần tiêm/ cho từ 5 đến 8 kg trọng lượng cơ thể lợn.

02/01/2012
Thành Công Nuôi Heo Trên... Máy Tính Thành Công Nuôi Heo Trên... Máy Tính

Doanh nghiệp (DN) chăn nuôi heo Thành Công (Đồng Nai) được coi là một trong những DN tư nhân làm ăn hiệu quả nhất từ sau khi Luật DN ra đời. Gọi là DN, nhưng thực chất Thành Công chỉ là trang trại chăn nuôi gia đình, nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào chăn nuôi, nên hiện tại doanh thu mỗi năm của Thành Công đạt trên 3 tỉ đồng. Mới đây, tạp chí Asian Pork (tạp chí chuyên ngành về chăn nuôi của Hiệp hội Chăn nuôi châu Á) đã dành ba trang để viết về DN này như một điển hình của châu Á.

01/01/2012
Nguyên Tắc Phòng Bệnh Trong Chăn Nuôi Heo Nguyên Tắc Phòng Bệnh Trong Chăn Nuôi Heo

Nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy muốn hạn chế được bệnh tật, đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế cao. Người chăn nuôi cần lưu ý những việc sau:

01/01/2012
Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Đạt Giá Trị Kinh Tế Cao

Trang trại nuôi heo (lợn) rừng của ông Đoàn Văn Đệ - thôn 8 xã Nam Bình - huyện Đắk Song (Đắk Nông) khoảng 2000 m2 nằm trên một ngọn đồi và có hệ thống tường xây bao bọc kiên cố xung quanh, ngoài ra còn có một tháp canh mà chúng tôi cứ ngỡ là ngọn hải đăng.

01/01/2012
Bệnh Do Haemophilus Parasuis Ở Lợn Bệnh Do Haemophilus Parasuis Ở Lợn

Đây là bệnh truyền nhiễm của heo con, chủ yếu heo con sau cai sữa. Đặc trưng của bệnh là xảy ra đột ngột, tuần hoàn ngoại vi của cơ thể bị trở ngại làm cho các vùng ngoại biên của cơ thể có màu tím tái (chót tai, chân...), ứ nước ở mí mắt, viêm khớp. Bệnh chỉ xảy ra lẻ tẻ và giới hạn trong phạm vi của trại.

02/01/2012