Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Heo, Gà Trên Mùn Cưa

Nuôi Heo, Gà Trên Mùn Cưa
Ngày đăng: 06/06/2013

Sau gần một năm thực hành nuôi heo, gà trên nền mùn cưa, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng không chỉ tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư chuồng trại, mà còn giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ nguồn phân thải, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh phát sinh trên từng vật nuôi.

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, thực trạng chăn nuôi heo, gà ở Lâm Đồng phần lớn ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ với chuồng trại nền xi măng hoặc nền đất, thiếu hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn an toàn môi trường. Hàng năm vẫn xảy ra nhiều mầm bệnh trên vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế chưa “tương xứng” với công sức và nguồn vốn đầu tư của người chăn nuôi.

Từ giữa năm 2012 đến nay, Trung tâm này đã triển khai và hoàn thành gần 1.000 m2 xây dựng các mô hình chuồng trại chăn nuôi heo, gà an toàn theo công nghệ sinh học trên nền vỏ mùn cưa với 11 hộ gia đình tham gia ở địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Bảo Lâm. Trung bình cứ 1,2 m2 chuồng trại nuôi 1 con heo hoặc nuôi gần 10 con gà. Kết quả tính riêng mỗi con heo từ khi nuôi đến khi xuất bán trong năm vừa qua, mỗi nông hộ chăn nuôi đã đạt lãi tăng thêm từ 150 - 200 ngàn đồng/con so với chăn nuôi theo phương pháp thông thường như trước đây.

Anh Lê Văn Đắc, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Để “tôn tạo” từ chuồng trại nuôi heo, gà trên nền xi măng (hoặc nền đất) thành nền vỏ mùn cưa, người chăn nuôi chỉ thực hành các bước khá đơn giản, nhưng phải đảm bảo các “số liệu kỹ thuật” đã hoàn chỉnh từ kết quả thử nghiệm gần một năm vừa qua ở địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Bảo Lâm nêu trên. Theo đó, diện tích trên nền chuồng xi măng cũ từ 10 m2 – 20 m2 có thể giữ nguyên trạng, nhưng phải đục từng lỗ nhỏ dài 4 cm, cứ cách 30 cm đục 1 lỗ trước khi cải tạo thành một lớp đệm vỏ mùn cưa 30 cm bên trên cùng và lớp đệm vỏ trấu 30 cm dưới cùng tiếp xúc với mặt nền.

Tuần tự các bước xây nền đệm mùn cưa sinh thái cho heo gồm: Rải lớp vỏ trấu dầy 30 cm, dùng tưới nước sạch đều cho đến lúc trấu thấm nước, bóp chặt không thấy nước làm ướt tay. Khi tưới nước phải dùng cào đảo để cho trấu ẩm đều và bằng mặt. Tiếp theo tưới đều 100 lít dung dịch (men Balasa N01 phối trộn với bột bắp và nước sạch khuấy đều) rồi rải lớp mùn cưa dầy 30 cm lên trên lớp trấu. Dùng nước sạch tưới đến lúc lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh thấy nước thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rời. Rải đều 5 kg bột bắp đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa. Tưới đều 100 lít dung dịch men còn lại lên lớp mùn cưa sau đó rải hết phần bã bắp lên mặt lớp mùn cưa. Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng vải bạt hoặc bằng ni-lon để lên men sau 2 ngày có thể thả heo vào nuôi...

Tương tự với việc xây nền mùn cưa sinh thái cho diện tích trung bình từ 30-50 m2 nền chuồng gà gồm: Rải một lớp mùn cưa dầy 15cm lên nền chuồng (nếu kết hợp dùng trấu thì đầu tiên rải 8 cm trấu, sau đó rải tiếp 7cm mùn cưa). Phun nước sạch đều lên trên lớp mùn cưa đến khi dùng tay bốc một nắm mùn cưa thấy hạt mùn cưa bị thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời. Rải đều chế phẩm men Balasa N01 (đã được pha loãng với nước và bột bắp) lên toàn bộ bề mặt nền mùn cưa rồi dùng tay xoa đều, sau đó khoảng 2 ngày thì thả gà vào nuôi…

Theo chu kỳ chăn nuôi xuất chuồng và thu phân đã ủ vừa hoai mục, thời gian thay nền mùn cưa đối với heo từ 2 - 4 năm; đối với gà từ 40 - 50 ngày. Sau hơn 1 năm triển khai, đến thời điểm đầu tháng 6/2013 này, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã có trên 50 hộ chăn nuôi áp dụng với quy mô hơn 4.000 m2 chuồng trại xây nền mùn cưa sinh thái cho heo, gà.

“Thành công từ các mô hình chăn nuôi heo, gà trên nền mùn cưa ở Lâm Đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, giảm công lao động, xử lý tốt chất thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, giảm đáng kể tỷ lệ vật nuôi mắc bệnh so với cách nuôi trước đây. Đây còn là kết quả có sức tác động tích cực đến việc hưởng ứng các chương trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ở các khu vực chăn nuôi trọng điểm trong tỉnh Lâm Đồng” - kỹ sư Lê Văn Đắc nói.


Có thể bạn quan tâm

Cá Chết Hàng Loạt Khiến Nông Dân Điêu Đứng Cá Chết Hàng Loạt Khiến Nông Dân Điêu Đứng

Những ngày qua, hàng chục hộ nông dân nuôi cá ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đứng ngồi không yên, đắng lòng nhìn hàng tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch bị chết hàng loạt.

23/08/2013
Về Ia Kly Gặp “Đại Gia” Sầu Riêng Về Ia Kly Gặp “Đại Gia” Sầu Riêng

(GLO)- Một lần ra chợ chọn mua quả sầu riêng đẹp, tôi được người bán hàng nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là sầu riêng vườn ông Ri nên anh cứ yên tâm về chất lượng”. Tính tò mò đã dẫn tôi đến làng Klã, xã Ia Kly, huyện Chư Prông “mục sở thị” nhân vật có tên Ri và vườn sầu riêng mang tên anh.

27/05/2013
Xây Dựng Mô Hình Nuôi Rắn Mối Đầu Tiên Của Tỉnh Thừa Thiên Huế Xây Dựng Mô Hình Nuôi Rắn Mối Đầu Tiên Của Tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội nông dân TX Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vừa triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi rắn mối thương phẩm cho nông dân phường Hương Văn”.

23/08/2013
Xuất Hiện Chủng Virus Cúm Gia Cầm Mới Xuất Hiện Chủng Virus Cúm Gia Cầm Mới

Tại cuộc họp diễn ra chiều 2/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết: Virus cúm gia cầm đã xuất hiện chủng mới H7N9 gây tử vong 2 người ở Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta qua đường gia cầm nhập lậu.

03/04/2013
Trứng Cá Tầm Ngàn Đô Trứng Cá Tầm Ngàn Đô

Kỹ sư Nguyễn Đình Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Giang Ly, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh ở trạm cá Klong Klăn cho biết: “Trứng cá tầm được xem là bài thuốc trị bệnh yếu sinh lý một cách vô cùng hiệu quả. Giá trung bình một kg trứng cá tầm là 2.500USD”.

27/05/2013