Nuôi Gà VietGap

Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thực hiện tốt chăn nuôi an toàn. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án khuyến khích nông dân thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Khó khăn lớn nhất để nhân rộng mô hình này là sản phẩm VietGAP vẫn được bán với mức giá “cào bằng” ngoài thị trường trong cảnh vàng thau lẫn lộn. Nhưng theo một số chủ trang trại chăn nuôi gà VietGAP, nếu tính toán tốt bài toán chi phí đầu vào thì người chăn nuôi vẫn đạt lợi nhuận khi bán sản phẩm sạch với giá rẻ.
* Dừng ở quy mô trang trại
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến nay Đồng Nai có 8 trang trại gà được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và trên 100 trại được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Trong tổng đàn gà 12 triệu con, chăn nuôi theo quy mô trang trại là 369 cơ sở, chiếm 80% tổng đàn, đó là một con số khá ấn tượng.
Tuy nhiên, để đạt những chứng nhận trên, đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên hầu như chưa thu hút được nông hộ chăn nuôi tham gia.
Ông Phạm Đình Khôi, chủ trang trại gà VietGAP tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho biết: “Để chuẩn hóa chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, nhà kho... người chăn nuôi phải đầu tư số vốn không nhỏ.
Người chăn nuôi phải tuân theo quy trình rất chặt chẽ, chi phí đầu vào cũng tăng hơn nhưng sản phẩm VietGAP vẫn chưa có sự phân biệt về giá so với mặt bằng chung trên thị trường nên nhiều nông dân chưa mấy mặn mà”.
Theo ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom), hiện công ty có 6 trang trại (gồm 1 trang trại do Bình Minh đầu tư và 5 trang trại của người dân nuôi gia công cho công ty) với trên 100 ngàn con gà được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm khoảng 15% trên tổng đàn của doanh nghiệp.
“Tuy còn nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, nhưng doanh nghiệp vẫn quan tâm đầu tư vì chương trình này góp phần xây dựng uy tín thương hiệu công ty ” - ông Tuấn nói.
* Làm sản phẩm VietGap giá rẻ?
Theo một số chủ trang trại gà VietGAP, tuy đầu tư ban đầu cao, phát sinh thêm một số khoản chi so với chăn nuôi truyền thống, nhưng sản xuất VietGAP hoàn toàn có thể cạnh tranh được về giá khi tham gia thị trường. Vì theo mô hình này, trang trại hạn chế được tối đa về rủi ro dịch bệnh, tăng năng suất, giảm tỷ lệ hao hụt…
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai, chia sẻ: “Chúng tôi có khoảng 300 ngàn gà thịt tại các trang trại ở huyện Trảng Bom đã đạt chứng nhận VietGAP; chiếm 60% tổng đàn gà.
Hiện toàn hệ thống trang trại đều đã ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn này với mục tiêu tổng đàn đều đạt chứng nhận VietGAP.
Hiện sản phẩm của trang trại chủ yếu vẫn tiêu thụ tại các chợ truyền thống với mức giá cào bằng ngoài thị trường. Đây là lý do chính khiến người chăn nuôi ngại thực hiện VietGAP. Nhưng theo tôi chăn nuôi an toàn là xu thế tất yếu. Và trách nhiệm của người sản xuất là phải tính bài toán chi phí để làm ra sản phẩm sạch với giá cạnh tranh.
Khi hoàn chỉnh trong xây dựng chuỗi chăn nuôi, tôi sẽ dán nhãn VietGAP cho sản phẩm của trang trại nhưng không phải để đưa hàng vào siêu thị bán với giá cao mà muốn mọi người, kể cả người bình dân vào chợ cũng không phải phân vân khi chọn mua thịt sạch” - ông Long nói.
Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Đây là thời điểm thuận lợi để người chăn nuôi tham gia VietGAP vì Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích.
Trang trại đang triển khai dự án mở rộng chăn nuôi theo hình thức xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi đến tổ chức mạng lưới bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng. Mong muốn của tôi là xây dựng được thương hiệu trứng sạch của Đồng Nai cạnh tranh tốt trên thị trường cả về chất lượng và giá cả”.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch đang mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm VietGAP. Hiện các trang trại VietGAP ở Đồng Nai đã hình thành chuỗi liên kết, vào được những kênh tiêu thụ khó tính, như: siêu thị, nhà hàng... với đầu ra ổn định.
Tỉnh đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn của Đồng Nai.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, người dân ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của nhiều hộ dân.

Thông qua trung tâm nông nghiệp huyện, từ đầu năm đến nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Đam Rông phát triển sản xuất, chăn nuôi trong các chương trình dự án lên đến trên 3,996 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình trợ giá cây giống cà phê Robusta, sầu riêng giống mới cho người dân các xã Đạ Tông, Đạ M’rông, Liêng S’rônh, Rô Men, Phi Liêng, Đạ K’Nàng, với tổng kinh phí 322,5 triệu đồng;

Thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) được nhiều người quen gọi là “Xóm Ao”. Bởi tại đây có rất nhiều nông hộ đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thả cá kết hợp chăn nuôi, với khoảng 10ha diện tích ao hồ. Trong số đó có anh Nguyễn Phúc Lợi.

Trong những năm gần đây, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có hơn 40 nghìn ha rừng được bảo vệ và phát triển tốt. Mỗi năm huyện trồng mới hàng nghìn ha rừng, góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng.

Thời gian qua, chuối trồng ở các xã An Lĩnh, An Xuân, An Thọ (huyện Tuy An) bị bệnh rũ lá, sau đó chết khô mà không biết nguyên nhân. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên.