Nuôi Gà Thương Phẩm Ở Quảng Tâm

Đầu năm 2014, gia đình chị Đàm Thị Nguyệt ở thôn 5, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) được Hội Phụ nữ xã chọn để xây dựng mô hình điểm nuôi gà J-Dabaco.
Theo đó, gia đình chị được hỗ trợ 50 con gà giống đã tiêm vắc xin phòng bệnh và 50% thức ăn tinh, đồng thời được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, cách phòng chống dịch bệnh. Sau gần 4 tháng nuôi, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2 kg trở lên.
Theo tính toán của chị Nguyệt thì bán sỉ với giá 80.000 đồng/kg, còn bán lẻ 100.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi từ 80.000 - 100.000 đồng/con. Thấy việc chăn nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao nên chị Nguyệt mạnh dạn nhân rộng đàn gà theo hướng sản xuất hàng hóa. Sau lứa nuôi theo mô hình, đến nay, chị đã nuôi được thêm 2 lứa nữa với tổng đàn 850.000 con, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.
Chị Nguyệt cho biết: “Hiện tại, tôi đang áp dụng phương pháp nuôi thả vườn. Cách nuôi này ít tốn kém kinh phí đầu tư chuồng trại, khả năng kháng bệnh cao. Trong quá trình nuôi, gia đình đã chú trọng vệ sinh chuồng và cho gà uống nước sạch, phòng bệnh đầy đủ. Bên cạnh đó, ngoài nguồn thức ăn từ cám công nghiệp thì tôi còn tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như bắp, lúa, khoai... nên gà tăng trọng nhanh, thịt chắc và ngon không thua kém gà ta thả vườn”.
Còn chị Âu Thị Tươi ở thôn 4, một trong những hộ nghèo của xã, sau khi tham quan mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Nguyệt, tháng 9/2014 đã vay 13 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 3EM để làm chuồng và mua 500 con gà giống chăn nuôi.
Chị Tươi cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nuôi gà với số lượng nhiều nhưng cũng đã được Hội Phụ nữ xã tập huấn và học hỏi kinh nghiệm từ thực tế từ các chị đã nuôi gà thành công nên yên tâm nuôi. Chỉ sau 50 ngày chăm sóc nhưng đến nay, đàn gà của gia đình đang phát triển khá tốt, mỗi con đạt trên 1 kg. Tôi hy vọng, chăn nuôi gà sẽ giúp gia đình thoát được nghèo và vươn lên”.
Chị Thị Py Ôn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Tâm cho biết: “Thời gian qua, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên các hộ dân trên địa bàn chỉ nuôi nhỏ lẻ với mục đích tự cung tự cấp, phục vụ cải thiện bữa ăn của gia đình.
Để khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, Hội đã tạo điều kiện cho các chị em có điều kiện kinh tế khó khăn được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, xã có 5 hộ đã chăn nuôi gà tập trung, quy mô mỗi lứa từ 300-500 con và nhiều hộ đang có hướng mở rộng quy mô”.
Hiện nay, các hộ đang sử dụng 2 phương pháp đó là nuôi nhốt tại chuồng, sử dụng hoàn toàn thức ăn do người chăn nuôi cung cấp và có sân chơi giáp với chuồng và thả vườn. Chăn nuôi gà thương phẩm được triển khai tại xã Quảng Tâm đang mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Cá hô trên sông Hậu và sông Tiền có 3 loại: Cá hô đỏ, cá hô hoa cà và cá hô đất, trong đó cá hô đỏ và cá hô hoa cà có giá cao nhất.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, hàng ngàn tàu cá của ngư dân miền Trung hối hả ra khơi đánh bắt để có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường dịp Tết cổ truyền.

Theo thống kê, thiệt hại lớn nhất là Lào Cai với gần 500 con trâu, bò; Lai Châu 475 con trâu, bò, ngựa, dê; Hà Giang 18 con, Cao Bằng 71 con, Bắc Kạn 25 con.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, qua gần 3 năm triển khai, đến nay có thể khẳng định giống gà J-Dabaco rất phù hợp với điều kiện, khí hậu của Đắk Nông, có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống gà địa phương, được nông dân hưởng ứng, nhân rộng.

Sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những người khác, vợ chồng anh Đào Thanh Hùng và chị Trịnh Thị Xuân Hiền ở thôn Tân Tiến, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp - Đắk Nông) đã nuôi thử nghiệm heo rừng.