Nuôi Gà Theo Hướng An Toàn Sinh Học Giảm Rủi Ro Cho Người Chăn Nuôi

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã giúp nhiều hộ chăn nuôi của xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ và xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) giảm chi phí, rủi ro về bệnh dịch...
Đây là kết quả của mô hình “Phát triển chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi gia cầm” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn (T.Ư Hội NDVN), Hội ND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp thực hiện trong năm 2013.
Yên tâm tiếp thu kỹ thuật mới
Là xã thuần nông nghiệp, nhưng phần lớn diện tích đất nông lâm nghiệp của xã Suối Rao là cằn cỗi, sỏi đá. Nuôi gia cầm, trong đó có nuôi gà được nhiều hộ nông dân (ND) trong xã lựa chọn đầu tư trong những năm gần đây.
Mặc dù có rủi ro nhưng nhờ chăn nuôi gà, nhiều hộ trong xã từng bước ổn định đời sống, tay nghề và kinh nghiệm chăn nuôi được tích lũy. Đây cũng là lý do để Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hội ND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lựa chọn xã Suối Rao là 1 trong 2 xã tham gia xây dựng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Cả xã có 4 hộ đủ điều kiện tham gia dự án với tổng đàn hơn 2.200 con.
Tại xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, Hội ND cơ sở đã chọn được 5 hộ đủ điều kiện tham gia dự án với tổng đàn hơn 1.700 con…Trước khi triển khai thực hiện dự án, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh) đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 45 hộ, trong đó có 9 hộ được hưởng lợi từ dự án; tổ chức tham quan học tập mô hình cho 40 hộ khác.
Ông Nguyễn Đạo Cứ - Giám đốc trung tâm cho biết: “Cách đây hơn 4 năm, Trung tâm cũng đã tổ chức 1 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho hơn 40 hộ của xã Suối Rao. Có kinh nghiệm, kiến thức nên nhiều hộ rất yên tâm tham gia xây dựng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học…”. Ngoài việc được tập huấn kỹ thuật, các hộ tham gia xây dựng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Long Mỹ, Suối Rao còn được dự án hỗ trợ 100% kinh phí mua giống gà Lương Phượng; 30% chi phí thức ăn và thuốc thú y.
Giảm chi phí, lợi nhuận tăng
Sau 4 tháng nuôi, gà nuôi theo hướng an toàn sinh học tại xã Long Mỹ, Suối Rao bán được với giá trung bình 50.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ đàn gà dự án là 380.000 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.
9 hộ tham gia mô hình đã được cấp hơn 4.000 con gà giống, 6.240kg thức ăn hỗn hợp, 8.400 liều vaccine và 600 lít hóa chất khử trùng.
Bên cạnh sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ chăn nuôi, dự án còn cử 1 cán bộ kỹ thuật ở ngay địa bàn kịp thời tư vấn, hướng dẫn, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cho bà con. Các hộ tham gia dự án đã sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại nên tỷ lệ gà sống cao, đàn gà phát triển tốt, không thấy xuất hiện các bệnh hô hấp, tiêu hóa…
Ông Cứ cho hay: “Với phương thức nuôi gà này, các hộ tham gia dự án đã giảm được chi phí đầu tư do không phải thay đệm lót, giảm chi phí thuốc phòng, chữa bệnh cho đàn gà, từ đó tăng lợi nhuận. Do nuôi theo hình thức thả vườn, gà vận động nhiều nên thịt chắc, chất lượng thơm ngon đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng...”.
Kết quả sau 4 tháng nuôi, tỷ lệ gà nuôi sống tại dự án đạt hơn 96,7%, trọng lượng gà mái xuất chuồng đạt bình quân hơn 2,1kg/con, gà trống đạt 2,3kg/con; lượng thức ăn là hơn 2,5kg/kg tăng trọng… Hiệu quả kinh tế từ mô hình rõ ràng nên các hộ tham gia dự án và nhiều hộ khác ở xã Long Mỹ, Suối Rao khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện, mở rộng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học…
Có thể bạn quan tâm

Trang trại với các giống vật nuôi quý như gà Đông Tảo, vịt trời, lợn Bỉ… đem lại thu nhập trên một tỷ mỗi năm cho anh Phan Văn Miền ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô.

Ở thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, huyện An Dương (TP.Hải Phòng), trang trại trồng hoa Mây Xanh của nông dân Đỗ Văn Xanh được rất nhiều người biết tới

Mô hình này đã đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào sự phát triển chung của huyện Vĩnh Bảo.

Chưa kể sản phẩm chủ lực là sầu riêng VietGAP, riêng trồng mít xen canh theo kiểu quanh năm ngồi “rung đùi”, anh Tùng cũng kiếm hơn 100 triệu đồng nhờ cơ giới hóa.

Là phụ nữ dân tộc Dao không biết chữ, nhưng với cách nghĩ, cách làm mạnh dạn, sáng tạo, chị Triệu Thị Tá ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tạo dựng cho mình thương hiệu miến dong nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.