Nuôi Gà Ri An Toàn Sinh Học Mô Hình Cần Được Nhân Rộng

Vừa qua, tại Đầm Hà (Quảng Ninh), Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối các Cơ quan tỉnh và Huyện Đoàn Đầm Hà tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học tại xã Quảng Lợi.
Mặc dù mô hình được triển khai thực hiện với quy mô nhỏ, nhưng kết quả bước đầu của mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cho một số đoàn viên thanh niên tham gia mô hình và bước đầu được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học được Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT và Huyện Đoàn Đầm Hà (Quảng Ninh) triển khai từ tháng 7-2014 với quy mô 600 con gà giống 21 ngày tuổi.
Tham gia mô hình, 6 hộ dân là đoàn viên thanh niên của xã Quảng Lợi được hỗ trợ mỗi gia đình 100 con gà ri với mức hỗ trợ 100% kinh phí về giống, 50% kinh phí thức ăn và thuốc thú y chăn nuôi bằng nguồn kinh phí xây dựng mô hình khuyến nông và được tập huấn kiến thức về chăn nuôi gà an toàn sinh học như: Lịch phòng bệnh cho gà bằng vắc-xin; phương pháp phòng ngừa dịch bệnh; khẩu phần ăn của gà qua các giai đoạn tuổi; kiến thức xây dựng, vệ sinh chuồng trại… Sau gần 3 tháng triển khai, đến nay tỷ lệ gà sống của mô hình đạt trên 95%; gà đạt trọng lượng bình quân trên 1,5kg/con.
Dự kiến, đến hết tháng 10 này, gà nuôi sẽ đạt trọng lượng trên 2kg/con. Anh Trần Trung Kiên, thôn An Lợi, xã Quảng Lợi, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 100% kinh phí gà giống; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật chăn nuôi gà do cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn.
Qua các đợt tập huấn, tôi thấy kỹ thuật nuôi gà ri an toàn sinh học không khó. Chỉ cần thực hiện đúng quy trình là không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 100 con gà của gia đình tôi đều sống và đạt trọng lượng bình quân trên 1,5kg/con. Bước đầu đã bán được hơn 20 con với giá bán bình quân 140.000 đồng/kg và được người mua đánh giá là thịt rất thơm ngon.
Đồng chí Nguyễn Đức Dương, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT cho hay: Từ đầu năm đến nay, Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Ninh và các Huyện Đoàn triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp các gia đình thanh niên phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Trong đó, mô hình nuôi gà ri an toàn sinh học được triển khai thực hiện tại xã Quảng Lợi mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng với việc áp dụng đúng quy trình chăn nuôi do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình đoàn viên thanh niên khó khăn trên địa bàn xã Quảng Lợi; nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng thịt cung cấp cho tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học.
Được biết, sau khi tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học tại xã Quảng Lợi, Huyện Đoàn Đầm Hà cũng đã tổ chức cho đoàn thanh niên thuộc 10 xã, thị trấn của huyện đi tham quan mô hình sản xuất, chăn nuôi gà tại Công ty TNHH Phúc Long (Tiên Yên) để học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, từng bước nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm

Tin từ Trạm Thú y huyện Núi Thành (Quảng Nam), ngày 7.11, tại thôn Bích Sơn (xã Tam Xuân 2) có 6 con trâu của 3 hộ dân bị mắc bệnh lở mồm long móng.

Ninh Thuận có khí hậu khắc nghiệt nhất nước, nắng nóng quanh năm, song lại là điều kiện thuận lợi để con dê, cừu phát triển. Nhờ vật nuôi này nhiều hộ thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Sau khi thôi giữ chức Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thọ Sơn (Bù Đăng - Bình Phước), ông Võ Xuân Cung thấy mình không kham nổi công việc chăm sóc 10 ha điều vì sức khỏe. Ông suy tính mãi vẫn không ra việc làm phù hợp với tuổi già và có thêm thu nhập giúp vợ con. Mải mê suy nghĩ, ông Cung bước tới cho mấy con bồ câu Pháp đang ăn và tiếng gù gì của chim bồ câu mà gia đình nuôi làm cảnh đã mở ra cho ông một cách làm giàu. Ông Võ Xuân Cung, chủ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn (Bù Đăng) bộc bạch về cơ duyên làm giàu của mình.

Dạo tháng ba khi đi viết bài về vùng rừng thông giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xe chúng tôi đã phải chạy mỏi... bánh trên vùng đất này. Trong bát ngát bao la của đất, rừng chúng tôi đã nói về những lợi thế để phát triển chăn nuôi ở đây. Và một ngày cuối thu, giữa hai cơn bão chúng tôi lại về vùng đất phía nam tỉnh, tất nhiên không phải để nói lại về rừng thông mà là chuyện những đàn bò...

Sau thời gian dài bị tuột dốc, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này ở An Giang, giá heo hơi quay về mức 45.000 đ/kg, có lúc từ 47.000 đến 50.000đ/kg và dự đoán khả năng sẽ còn tăng thêm. Đây là sự kích thích người chăn nuôi tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn heo, chăm sóc quyết liệt giai đoạn cuối năm và chuẩn bị cho Tết sắp tới.