Nuôi Gà Ri An Toàn Sinh Học Mô Hình Cần Được Nhân Rộng

Vừa qua, tại Đầm Hà (Quảng Ninh), Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối các Cơ quan tỉnh và Huyện Đoàn Đầm Hà tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học tại xã Quảng Lợi.
Mặc dù mô hình được triển khai thực hiện với quy mô nhỏ, nhưng kết quả bước đầu của mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cho một số đoàn viên thanh niên tham gia mô hình và bước đầu được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học được Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT và Huyện Đoàn Đầm Hà (Quảng Ninh) triển khai từ tháng 7-2014 với quy mô 600 con gà giống 21 ngày tuổi.
Tham gia mô hình, 6 hộ dân là đoàn viên thanh niên của xã Quảng Lợi được hỗ trợ mỗi gia đình 100 con gà ri với mức hỗ trợ 100% kinh phí về giống, 50% kinh phí thức ăn và thuốc thú y chăn nuôi bằng nguồn kinh phí xây dựng mô hình khuyến nông và được tập huấn kiến thức về chăn nuôi gà an toàn sinh học như: Lịch phòng bệnh cho gà bằng vắc-xin; phương pháp phòng ngừa dịch bệnh; khẩu phần ăn của gà qua các giai đoạn tuổi; kiến thức xây dựng, vệ sinh chuồng trại… Sau gần 3 tháng triển khai, đến nay tỷ lệ gà sống của mô hình đạt trên 95%; gà đạt trọng lượng bình quân trên 1,5kg/con.
Dự kiến, đến hết tháng 10 này, gà nuôi sẽ đạt trọng lượng trên 2kg/con. Anh Trần Trung Kiên, thôn An Lợi, xã Quảng Lợi, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 100% kinh phí gà giống; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật chăn nuôi gà do cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn.
Qua các đợt tập huấn, tôi thấy kỹ thuật nuôi gà ri an toàn sinh học không khó. Chỉ cần thực hiện đúng quy trình là không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay, 100 con gà của gia đình tôi đều sống và đạt trọng lượng bình quân trên 1,5kg/con. Bước đầu đã bán được hơn 20 con với giá bán bình quân 140.000 đồng/kg và được người mua đánh giá là thịt rất thơm ngon.
Đồng chí Nguyễn Đức Dương, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT cho hay: Từ đầu năm đến nay, Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Ninh và các Huyện Đoàn triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp các gia đình thanh niên phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Trong đó, mô hình nuôi gà ri an toàn sinh học được triển khai thực hiện tại xã Quảng Lợi mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng với việc áp dụng đúng quy trình chăn nuôi do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình đoàn viên thanh niên khó khăn trên địa bàn xã Quảng Lợi; nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao chất lượng thịt cung cấp cho tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học.
Được biết, sau khi tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri an toàn sinh học tại xã Quảng Lợi, Huyện Đoàn Đầm Hà cũng đã tổ chức cho đoàn thanh niên thuộc 10 xã, thị trấn của huyện đi tham quan mô hình sản xuất, chăn nuôi gà tại Công ty TNHH Phúc Long (Tiên Yên) để học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, từng bước nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm

Chuyên môn là kỹ sư tự động hóa nhưng sức hút và niềm đam mê nuôi lươn đã trở thành động lực khiến anh trở thành “kỹ sư thủy sản” lúc nào không hay. Với việc tạo ra lươn sinh sản thành công, chàng trai trẻ Hồ Văn Trung đang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao…

Cá rô đầu vuông một thời là vật nuôi chủ lực của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do thị trường không ổn định, giá thức ăn liên tục tăng nên hiện tại hàng ngàn hộ nuôi cá rô đầu vuông trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 3/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3088/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch đốm trắng ở tôm trên địa bàn xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; vùng bị dịch uy hiếp tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Để thực hiện mô hình, các hộ nông dân được tập huấn, nắm bắt phương pháp và qui trình nuôi từ khâu chăm sóc vịt lúc còn nhỏ, xây dựng chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, nên tỷ lệ vịt hao hụt thấp, phần lớn hộ nuôi đạt tỷ lệ đến 98%.

Trước tình trạng đất cát, nhiễm phèn ảnh hưởng đến năng suất lúa của nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đông Hòa đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao cho nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây 2 (HTX Hòa Xuân Tây 2) mang lại hiệu quả kinh tế cao.