Nuôi Gà Ở Nhà Máy Lạnh

Hơn 90 ngàn con gà được nuôi trong những trại có không khí mát lạnh rộng 5ha, các khâu chăn nuôi đều theo quy trình tự động, cho ra hơn 5 tấn trứng sạch và an toàn mỗi ngày. Đó là những con gà của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng.
Đến thăm trang trại nuôi gà của ông Nguyễn Công Khanh, chúng tôi ngỡ ngàng vì thoạt nhìn thì nơi đây không giống như những trang trại nuôi gà phổ biến lâu nay từng thấy mà như những khu nhà máy sản xuất hiện đại. Trang trại được chia thành 5 trại nhỏ là 5 “ngôi nhà” của hơn 90 ngàn con gà công nghiệp đẻ trứng, mỗi trại nuôi khoảng 17-18 ngàn con.
Đây là mô hình chăn nuôi khép kín và tự động, nhà nuôi gà gắn hệ thống máy lạnh làm mát, các trại gà lạnh đều không có mùi hôi hay những đám ruồi nhặng bay đầy chuồng như những trại gà khác. Mỗi trại gà được xây dựng kiên cố bằng khung thép, bê tông, cửa ra vào nhà lạnh có các thiết bị cảm ứng tự động điều chỉnh nhiệt độ, đảm bảo luôn duy trì nhiệt độ khoảng 22-240C.
Hệ thống chuồng trại khép kín, từ việc vệ sinh chuồng, cho ăn, uống nước… đều tự động. Ở hai đầu mỗi trại có gắn hai dàn máy làm lạnh và hút mùi. Tất cả xe ra vào trang trại đều phải qua hệ thống tiêu độc, khử trùng được đặt tại cổng vào trang trại.
Chủ trang trại Nguyễn Công Khanh, người có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà kể lại: “Năm 2013 tôi xuống tham quan một số mô hình nuôi gà ở Bình Dương, thấy họ nuôi gà theo kiểu hiện đại mà hiệu quả kinh tế cao, thế là tôi về tiến hành làm”. Với tổng số vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng cho 5 trại gà, chỉ sau 2 năm ông Khanh đã hoàn vốn.
Theo ông Khanh, chi phí đầu tư ban đầu cao và mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, với giá trứng dao động từ 25 - 30 ngàn/kg, mỗi tháng trang trại cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Vì các khâu đều được tự động nên giảm thiểu chi phí nhân công, gà khỏe mạnh, ít tiêu tốn thức ăn và ít dịch bệnh. Hiện tại, trứng của trang trại Công Khanh xuất đi khắp tỉnh và các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết: Do nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá cao, đàn gia cầm nuôi sẽ chậm phát triển, gà thịt sẽ chậm lớn, gà đẻ cho năng suất trứng thấp hoặc không đẻ trứng... có khi làm đàn gà nuôi công nghiệp giảm sức đề kháng, dẫn đến dịch bệnh cho cả đàn.
Gà nuôi theo kiểu chuồng lạnh sẽ giảm thiểu những rủi ro này, cách ly với nguồn bệnh dịch. Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo kiểu chuồng lạnh sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và thiệt hại không đáng có cho người nông dân khi có dịch cúm bùng phát. Hàng tháng, Chi cục Thú y tỉnh đều xuống lấy mẫu kiểm định và chứng nhận nguồn gốc an toàn cho trang trại.
Hiện trên địa bàn huyện Đức Trọng còn có thêm mô hình nuôi gà lấy thịt trong nhà lạnh của anh Lục Văn Tâm, thị trấn Liên Nghĩa. Hội Nông dân thị trấn Liên Nghĩa cho biết: Mô hình chăn nuôi trong nhà lạnh tuy chưa phát triển mạnh nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhờ quản lý tốt đàn gà đồng thời với việc tăng cường bổ sung men tiêu hóa đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít gây mùi hôi, nên ít ảnh hưởng môi trường sống của người dân trong khu vực. Với nhiệt độ nhà nuôi ổn định, phù hợp với sức chịu đựng của gà, không thay đổi bất thường nên đàn gà sinh trưởng tốt, nhanh lớn, tỉ lệ hao hụt chỉ vào khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với nuôi gà chuồng hở, hao hụt có lúc lên đến trên 15%.
Thành công của những mô hình chăn nuôi mới này đã chứng minh cho sự chịu khó học hỏi và mạnh dạn tiếp cận kỹ thuật mới của các hộ nông dân trong tỉnh, đồng thời mở ra hướng chăn nuôi mới, an toàn và làm giàu bền vững cho nhiều hộ gia đình.
Nguồn bài viết: http://baolamdong.vn/kinhte/201411/nuoi-ga-o-nha-may-lanh-2375011/
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông TP Quy Nhơn tổ chức hội thảo mô hình nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH). Tham gia mô hình có 5 hộ ở các phường: Nhơn Phú, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân; mỗi hộ nuôi từ 500 con đến 1.000 con gà, tổng số 3.000 con, với mật độ chuồng 500 con/50 m2.

Ngày 8/11, chương trình hỗ trợ 1.000 con bò cho 1.000 hộ nghèo tỉnh Lâm Đồng được Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup chính thức bàn giao tại huyện Đơn Dương trước chứng kiến của đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đơn Dương, Sở LĐTB&XH… Đây là cú hích đặc biệt ý nghĩa giúp 1.000 hộ nghèo sớm thoát nghèo.

Đề án nuôi bò vỗ béo giảm nghèo nằm trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch giảm nghèo hàng năm của huyện Phú Tân. Theo hình thức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn không lãi suất để nuôi bò, sau 1 năm triển khai, đề án đã thu về những kết quả đáng mừng.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh, lợn hương có đặc điểm gần giống với lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, thịt chắc, lông dài, đuôi nhỏ, mõm thuôn dài, bốn chân nhỏ và chắc, giữa trán có đốm trắng, đầu và gốc lưng đuôi khoang đen đặc trưng. Lợn hương trưởng thành có trọng lượng khoảng 40kg, tối đa đạt 140kg.

Mô hình chăn nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường có sử dụng đệm lót sinh học đã được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) huyện Phú Hòa và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa chọn 4 hộ trên địa bàn thị trấn làm thí điểm. Qua 4 tháng triển khai, đến nay, mô hình đã mang lại kết quả khả quan.