Nuôi Gà Lai Đông Tảo, Được Tiếp Vốn

“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.
Vơi bớt khó khăn
Chúng tôi tới thăm gia đình ông Bình khi ông đang kiểm tra mẻ trứng gà trong lò ấp. Ông cho hay: “Gia đình tôi nuôi gà lai Đông Tảo tính đến nay đã tròn 10 năm. Với 2.000 con gà hậu bị và gà sinh sản, mỗi năm tôi thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán gà thương phẩm và gà giống”.
Tuy lợi nhuận cao nhưng vốn đầu tư bỏ ra khá lớn, nhất là chi phí mua giống và thức ăn cho đàn gà. “Tháng 6.2013, gia đình tôi được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng. Làm ăn bài bản và được tiếp vốn đúng lúc, nên vừa qua tôi xuất bán hơn 1 tấn gà thương phẩm và 20.000 con gà giống đúng thời điểm được giá. Gia đình tôi “ăn nên làm ra” một phần cũng nhờ Quỹ HTND”.
Theo ông Bình, giống gà lai Đông Tảo được sinh ra từ con bố giống Đông Tảo lai với mẹ gà ri, có ưu điểm là tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống gần 100%, màu lông đẹp, thịt ăn thơm ngon, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, giá bán cao hơn hẳn so với gà ri (gà lai Đông Tảo loại 3,5 – 4kg có giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg).
Với hơn 600 con gà sinh sản, cứ 3 ngày ông lại mang khoảng 1.200 quả trứng vào lò ấp của gia đình, sau 21 ngày gà giống nở sẽ được xuất bán ngay tại chuồng với giá 14.000 – 15.000 đồng/con.
Cùng thôn và cùng được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, bà Trần Thị Hương cho biết: “Chồng tôi mất sớm, mình tôi gồng gánh nuôi các con ăn học. Thấy nuôi gà lai Đông Tảo có lãi, tôi định mở rộng quy mô nuôi nhưng ngặt nỗi không có vốn. Được Quỹ HTND tiếp sức tôi có điều kiện mua thêm thức ăn và gà giống về nuôi, tăng thu nhập, có tiền nuôi con đang học Đại học Y Hà Nội”.
Thu về trên 100 triệu đồng không khó
Anh Nguyễn Duy Đạt- Chủ tich Hội ND xã Yên Phú cho biết: “Gà lai Đông Tảo là giống gà cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện và kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ gia đình tại địa phương, vì vậy mà Quỹ HTND đã đầu tư cho hội viên chăn nuôi”.
Để đồng vốn phát huy hết hiệu quả, Hội ND xã phối hợp với Ban quản lý dự án luôn theo dõi, kiểm tra sát sao các hộ vay vốn. Mỗi tháng Ban quản lý tổ chức cho các hộ vay vốn họp vào tối ngày 20 hàng tháng. Nội dung họp tập trung tình hình phát triển chăn nuôi, chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp phòng dịch bệnh, chăm sóc, những diễn biến của thị trường với giá cả các loại sản phẩm và bao tiêu sản phẩm cho ND. Trước khi giao vốn 10 ngày, các hộ vay vốn được tập huấn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học.
Nhờ đầu tư đúng hướng, nắm chắc kỹ thuật nên nhiều hộ dân xã Yên Phú có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi gà lai Đông Tảo.
Có thể bạn quan tâm

Vào cuối những năm 1950, ethoxyquin (tên thương mại là santoquin, santoflex, EQ) đã được cho phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản (E324) chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự phân hủy của một số vitamin, ngăn chặn sự phân hóa các chất béo và các hợp chất liên quan, đồng thời ngăn peroxide hình thành trong các loại thức ăn chăn nuôi

Vụ mùa năm 2011-2012, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho nuôi tôm công nghiệp. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác nguyên nhân tôm chết và cũng chưa có giải pháp khắc phục tôm chết hiệu quả.

Công ty WWF chi nhánh TP.Cần Thơ phối hợp với UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vừa tổ chức lớp tập huấn nuôi tôm theo hướng an toàn, bền vững cho hơn 60 nông dân của hợp tác xã Quyết Thắng, tổ hợp tác Thuận Thành và tổ hợp tác Phát Tài ở xã Ngọc Tố.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại sinh khí cho vùng nông thôn Cà Mau. Sau 2 năm triển khai, Cà Mau đã xuất hiện những địa phương dẫn đầu trong việc hoàn thành các tiêu chí (trong bộ 19 tiêu chí) xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Vĩnh Xương, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu, quy trình nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống, như: Ốc, cua, cá...