Nuôi Gà Chọi Lai Diện Tích Nhỏ, Thu Nhập Lớn

Từ 5 hộ thí điểm nuôi gà chọi lai cho hiệu quả cao ở ấp Trùm Thuật A và Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, qua 1 năm mô hình này đã nhân rộng trên 30 hộ nuôi.
Tham gia nuôi gà chọi từ khi mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư được triển khai, chị Võ Kiều Hân, ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, đã thành công trên diện tích 15 m2. Chị Hân phấn khởi: “Chỉ với 15 m2, gia đình nuôi 100 con theo hình thức thả nối vụ, gà lớn rất nhanh”.
Chị Võ Hồng Tươi, ấp Trùm Thuật A nuôi số lượng 80 con gà chọi lai chỉ trên diện tích 4 m2, nhưng gà vẫn lớn với tốc độ nhanh và tỷ lệ sống đạt 100%.
Chị Tươi cho biết: “Lúc đầu thấy anh em nuôi trên diện tích chỉ vài mét vuông mà gà vẫn lớn nhanh, khi áp dụng nuôi được gần 2 tháng, tôi nhận thấy 4 m2 vẫn nuôi được. Nhiều người dân trong xóm thấy hiệu quả nên chuẩn bị làm theo”.
Gà chọi lai có thể sống ở mật độ dày, nếu người nuôi tiêm phòng đúng thời gian và liều lượng thì gà sinh trưởng và phát triển an toàn đến thu hoạch.
Cán bộ thú y xã, đồng thời là Bí thư Chi bộ ấp Trùm Thuật B Võ Việt Anh cho biết: “Qua 1 năm nuôi thí điểm trên diện tích nhỏ, gà vẫn sinh trưởng và phát triển tốt là do sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Với mô hình này, nhiều hộ ít đất và chí thú làm ăn đang chuẩn bị làm theo để tăng thu nhập cho gia đình”.
Nếu so sánh thu nhập của các đối tượng trên cùng mật độ, diện tích thì thu nhập từ mô hình gà chọi lai mang lại là khá cao. Chị Võ Hồng Tươi nhận định: “Chỉ 1 tháng 25 ngày mà gà đạt trọng lượng trung bình 1,4 kg/con.
Hiện đầu ra đã có, thương lái đến mua tại nhà với giá khoảng 75.000-80.000 đồng/kg, còn đem bán chợ thì được 85.000 đồng/kg. Nếu bán hết số lượng gà hiện có, trừ chi phí, tôi còn lãi trên 4 triệu đồng”.
Trung bình 1 m2 chỉ sau trên dưới 2 tháng cho lợi nhuận trên 1 triệu đồng. Thu nhập như thế là quá cao. Nếu tính nguồn thu từ 30 hộ thực hiện mô hình hiện tại thì mỗi mét vuông thu về trên 5 triệu đồng/4 vụ nuôi.
Để giảm chi phí thức ăn, nhiều hộ nuôi gà chọi lai thực hiện cách ủ men cho gà ăn. Anh Võ Việt Anh chia sẻ: “Từ 7 kg cám gạo, 3 kg thức ăn, 10 lít nước sạch, 100 gram men vi sinh, ủ trong 24 giờ có thể cho gà ăn được. Thực hiện theo cách này từ 8 bao thức ăn/100 con gà giảm còn 5 bao thức ăn đến khi xuất bán, nhưng thời gian nuôi dài hơn 10 ngày so với cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp”.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi còn đón thời điểm các ghe biển cặp bến, mang gà ra chợ bán sẽ có giá cao hơn. Vào thời điểm dịch cúm gia cầm, giá gà giảm nhưng người nuôi gà chọi lai vẫn có lãi. Mô hình này càng khẳng định hiệu quả, cho thu nhập cao, dễ thực hiện. Ngoài 30 hộ đang nuôi và duy trì, có trên 30 hộ trong toàn xã đang chuẩn bị thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Hồ Minh Chiến cho biết: “Trước đây, nhiều mô hình được triển khai, có hộ không làm được, hộ làm được nhưng không cho hiệu quả ổn định như mô hình này.
Xã đang tranh thủ các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cho hộ nghèo, chỉ đạo hội nông dân, phụ nữ tận dụng vốn nhàn rỗi của hội để hướng dẫn hội viên thực hiện và nhân rộng, đặc biệt khuyến khích hộ ít đất, hộ nghèo chí thú làm ăn thực hiện mô hình này”.
Có thể bạn quan tâm

Với một huyện miền núi như Hạ Hòa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác cũ cho nên chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa…

Nhiều hộ nuôi cá lồng, bè bị chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề, nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các dấu hiệu bất thường trong môi trường nước ở khu vực nuôi cá cho người dân.

Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.

Theo thống kê của các địa phương, đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000ha (trong tổng số khoảng 40.000ha lúa mùa) bị thiệt hại, nhất là những diện tích lúa nằm ven sông Cầu, sông Công và khu vực gần hồ Núi Cốc. Năng suất của các diện tích lúa này có thể bị giảm từ 20-70% so với cùng kỳ hằng năm.

Vụ mùa năm nay, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) triển khai xây dựng thí điểm 2 vùng sản xuất lúa lai giống LC212 và Syn 6 với tổng diện tích 27ha tại các xóm: Vinh Quang 1, Vinh Quang 2; Tân Sơn và Sơn Tía. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cấy được 2 vụ/năm, năng suất cao, khả năng đẻ nhánh tập trung, cứng cây, bông to, và khả năng chống chịu khá với một số loại sâu, bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu...