Nuôi Gà Chọi Lai Diện Tích Nhỏ, Thu Nhập Lớn

Từ 5 hộ thí điểm nuôi gà chọi lai cho hiệu quả cao ở ấp Trùm Thuật A và Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, qua 1 năm mô hình này đã nhân rộng trên 30 hộ nuôi.
Tham gia nuôi gà chọi từ khi mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư được triển khai, chị Võ Kiều Hân, ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, đã thành công trên diện tích 15 m2. Chị Hân phấn khởi: “Chỉ với 15 m2, gia đình nuôi 100 con theo hình thức thả nối vụ, gà lớn rất nhanh”.
Chị Võ Hồng Tươi, ấp Trùm Thuật A nuôi số lượng 80 con gà chọi lai chỉ trên diện tích 4 m2, nhưng gà vẫn lớn với tốc độ nhanh và tỷ lệ sống đạt 100%.
Chị Tươi cho biết: “Lúc đầu thấy anh em nuôi trên diện tích chỉ vài mét vuông mà gà vẫn lớn nhanh, khi áp dụng nuôi được gần 2 tháng, tôi nhận thấy 4 m2 vẫn nuôi được. Nhiều người dân trong xóm thấy hiệu quả nên chuẩn bị làm theo”.
Gà chọi lai có thể sống ở mật độ dày, nếu người nuôi tiêm phòng đúng thời gian và liều lượng thì gà sinh trưởng và phát triển an toàn đến thu hoạch.
Cán bộ thú y xã, đồng thời là Bí thư Chi bộ ấp Trùm Thuật B Võ Việt Anh cho biết: “Qua 1 năm nuôi thí điểm trên diện tích nhỏ, gà vẫn sinh trưởng và phát triển tốt là do sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Với mô hình này, nhiều hộ ít đất và chí thú làm ăn đang chuẩn bị làm theo để tăng thu nhập cho gia đình”.
Nếu so sánh thu nhập của các đối tượng trên cùng mật độ, diện tích thì thu nhập từ mô hình gà chọi lai mang lại là khá cao. Chị Võ Hồng Tươi nhận định: “Chỉ 1 tháng 25 ngày mà gà đạt trọng lượng trung bình 1,4 kg/con.
Hiện đầu ra đã có, thương lái đến mua tại nhà với giá khoảng 75.000-80.000 đồng/kg, còn đem bán chợ thì được 85.000 đồng/kg. Nếu bán hết số lượng gà hiện có, trừ chi phí, tôi còn lãi trên 4 triệu đồng”.
Trung bình 1 m2 chỉ sau trên dưới 2 tháng cho lợi nhuận trên 1 triệu đồng. Thu nhập như thế là quá cao. Nếu tính nguồn thu từ 30 hộ thực hiện mô hình hiện tại thì mỗi mét vuông thu về trên 5 triệu đồng/4 vụ nuôi.
Để giảm chi phí thức ăn, nhiều hộ nuôi gà chọi lai thực hiện cách ủ men cho gà ăn. Anh Võ Việt Anh chia sẻ: “Từ 7 kg cám gạo, 3 kg thức ăn, 10 lít nước sạch, 100 gram men vi sinh, ủ trong 24 giờ có thể cho gà ăn được. Thực hiện theo cách này từ 8 bao thức ăn/100 con gà giảm còn 5 bao thức ăn đến khi xuất bán, nhưng thời gian nuôi dài hơn 10 ngày so với cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp”.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi còn đón thời điểm các ghe biển cặp bến, mang gà ra chợ bán sẽ có giá cao hơn. Vào thời điểm dịch cúm gia cầm, giá gà giảm nhưng người nuôi gà chọi lai vẫn có lãi. Mô hình này càng khẳng định hiệu quả, cho thu nhập cao, dễ thực hiện. Ngoài 30 hộ đang nuôi và duy trì, có trên 30 hộ trong toàn xã đang chuẩn bị thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải Hồ Minh Chiến cho biết: “Trước đây, nhiều mô hình được triển khai, có hộ không làm được, hộ làm được nhưng không cho hiệu quả ổn định như mô hình này.
Xã đang tranh thủ các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cho hộ nghèo, chỉ đạo hội nông dân, phụ nữ tận dụng vốn nhàn rỗi của hội để hướng dẫn hội viên thực hiện và nhân rộng, đặc biệt khuyến khích hộ ít đất, hộ nghèo chí thú làm ăn thực hiện mô hình này”.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, cả nước hiện có 560.000ha trồng sắn các loại, tổng sản lượng đạt gần 9,4 triệu tấn sắn tươi, với hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn đạt tiêu chuẩn, đứng thứ hai thế giới về XK sắn và sản phẩm từ sắn, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường XK sắn đang có nhiều biến động giảm.

Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, từ nay đến cuối năm 2016 Sở làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã: Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước (huyện Bình Đại) để phục vụ cho khoảng 1.500 ha đất nuôi trồng thủy sản.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường NK vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm nay, do Thái Lan và một số nguồn cung khác vẫn chưa phục hồi bởi dịch bệnh EMS, cộng với việc các doanh nghiệp bị đơn không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo kết quả cuối của POR7, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trở nên rất thuận lợi.

Nguồn phát sinh nước thải từ hoạt động SX, chăn nuôi của trang trại chủ yếu là do quá trình dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và bài tiết của động vật nuôi gồm phân, nước tiểu, nước vệ sinh chuồng trại, mỗi ngày có khoảng 100 m3 nước thải, trong những ngày có nhiệt độ cao nhất, sử dụng nước nhiều nhất.