Nuôi Đúng Quy Hoạch, Đúng Kỹ Thuật, Chống Ô Nhiễm

“Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản lồng bè của xã Long Sơn” - đó là tên cuộc hội thảo diễn ra sáng 18-4, do Sở NN-PTNT phối hợp với UBND TP. Vũng Tàu tổ chức. Hội thảo đã thu hút 60 hộ dân nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn cùng đại diện một số sở, ngành và UBND TP. Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các sở, ngành về vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và qua bản đồ quy hoạch trong đợt khảo sát sáng ngày 18-4.
Nguồn lợi lớn, thiệt hại cũng rất lớn
Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu khẳng định, nuôi trồng thủy sản là định hướng đúng cho phát triển kinh tế xã Long Sơn.
5 năm trở lại đây, người dân trong xã đã tổ chức nuôi các loại cá có giá trị kinh tế bằng lồng bè trên sông Chà Và. Từ 3 bè với 600 ô nuôi năm 2000, đến nay đã có 115 bè với 3.000 ô nuôi, tổng vốn đầu tư cố định gần 1.000 tỷ đồng, sản lượng trên 2.000 tấn/năm.
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, việc nuôi cá lồng bè đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con trong xã, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, nuôi con ăn học.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng nguồn nước từ thượng nguồn sông Chà Và có dấu hiệu ô nhiễm, khiến các hộ nuôi cá chuyển về nuôi tập trung khá dày tại khu vực 2 bên cầu Gò Găng, gây phá vỡ quy hoạch vùng nuôi và ảnh hưởng đến chất lượng nuôi trồng.
Ông nói: “Tình trạng cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân gần như mất trắng tài sản. Phát triển nhanh và tự phát, thiếu sự quản lý của Nhà nước về quy hoạch, chất lượng, kỹ thuật đã và đang dẫn đến nhiều bất lợi cho nuôi trồng như dịch bệnh lây lan, sản lượng giảm sút…”, ông Bình nói.
Chủ bè nuôi tôm Phạm Văn Thông cho rằng, chính quyền và ngành chức năng nên đẩy nhanh việc kiểm tra và hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với các hộ dân được thuê diện tích mặt nước, mặt đất nuôi trồng thủy sản để người dân chủ động và có trách nhiệm hơn trong hoạt động nuôi trồng.
Đó cũng là cơ sở để Nhà nước theo dõi việc quản lý và thực hiện quy hoạch. Ông Thông cũng đề nghị Chi cục nuôi trồng thủy sản in ấn tài liệu về kỹ thuật nuôi cá, xử lý các tình huống xấu cho cá khi xảy ra ô nhiễm nguồn nước rồi phát cho người nuôi để họ áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Quyết Tiến nêu băn khoăn, vùng nuôi số 1 không có hộ nào nuôi vì có cống xả thải của các cơ sở chế biến hải sản.
Kết quả xét nghiệm trong những đợt cá chết hàng loạt đã xác định rõ nguồn nước bị ô nhiễm sao không giải quyết đến cùng các nguyên nhân gây ô nhiễm? “Các cơ quan nhà nước phải khảo sát, nghiên cứu, công bố nguyên nhân và quy trách nhiệm rõ ràng, đừng để sự việc lặp đi lặp lại mà không có lời giải đáp thỏa đáng cho dân”, ông Phúc nhấn mạnh.
Trách nhiệm phối hợp của nhiều bên
Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quy hoạch vùng nuôi đã có nhưng người nuôi tự phát, không theo quy hoạch. Chính quyền cũng như ngành chức năng chưa có sự phối hợp trong quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch.
Việc kiểm tra hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản khu vực Tân Hải chưa nghiêm dẫn đến tình trạng có đoàn kiểm tra thì họ dừng xả, sau đó lại xả tiếp. Ông Cường đề nghị UBND TP. Vũng Tàu cùng Sở TN-MT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp thiết lập trong các hộ dân thành các tổ kiểm tra, giám sát, cảnh báo để xử lý nhanh trường hợp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Các tổ này cũng có trách nhiệm sắp xếp mùa vụ nuôi trồng phù hợp với nhu cầu thị trường về đầu ra, đôn đốc nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt về bờ chôn lấp để hạn chế tối đa các tác nhân gây mầm bệnh cho thủy sản.
“Bản thân người dân phải tự bảo vệ nguồn lợi của mình qua việc giữ gìn vệ sinh ao, bè và khu vực sinh sống. Ô nhiễm nguồn nước phải được giải quyết bài bản, khoa học, đồng bộ và là trách nhiệm chung của tất cả, chứ không phải chuyện riêng của Nhà nước.
Sự chung tay và hợp tác tích cực của người dân trong thực hiện đúng quy hoạch, bảo đảm kỹ thuật nuôi trồng cũng là một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự ổn định và phát triển nuôi trồng thủy sản Long Sơn”, bà Trương Thị Hường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện ít ai ngờ nhưng đang là hiện thực ở đồng đất huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Mỗi hecta gừng thương lái vào tận rẫy bỏ cọc và đồng ý thu mua với giá khoảng 1,5 tỉ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn xã Tân Hội, huyện Tân Châu (Tây Ninh) vừa xuất hiện bệnh trắng lá mía trên cây mía giai đoạn mía gốc 1 năm tuổi và mía tơ 2 - 3 tháng. Bệnh gây hại cho 39 ha mía ở mức 15 - 20%.

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.