Nuôi Chim Yến Trong Nhà Tại Tuy Hòa Khó Kiểm Soát, Nguy Cơ Lây Lan Bệnh Dịch

Mô hình nuôi chim yến trong nhà đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nên số hộ dân nuôi loại chim này tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) không ngừng tăng, bất chấp ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn trong khu dân cư cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Phiền toái với chim yến
Nuôi chim yến trong nhà từ lâu không còn lạ lẫm gì đối với người dân TP Tuy Hòa. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người không ngại đầu tư vốn xây dựng nhà hoặc tận dụng ngôi nhà mình đang ở để nuôi chim yến, tập trung ở các phường 2, 4, 9…
Theo một số người, để dẫn dụ được chim yến đến, ngoài việc đầu tư vốn xây dựng nhà nuôi, tạo không gian cho yến trú ngụ và làm tổ, người nuôi còn phải đầu tư hệ thống âm thanh để dụ chim yến đến. Chính vì điều này mà không ít người dân sống xung quanh các nhà nuôi chim yến than phiền. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên ở phường 9, cho biết: “Ở gần nhà tôi có vài người xây nhà nuôi chim yến.
Vì mới làm, yến chưa vào nên họ liên tục mở máy có phát tiếng chim kêu inh ỏi. Mới nghe thì cũng không khó chịu lắm, nhưng cùng một thời điểm có nhiều nhà mở máy thì ai cũng khó chịu”.
Không chỉ tạo ra tiếng ồn, việc nuôi chim yến trong nhà cũng đang làm ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan đô thị. Theo nhiều người dân sống quanh khu vực có nhà nuôi chim yến, khoảng 6 giờ và 16 giờ hàng ngày là thời điểm có nhiều chim yến bay lượn trên bầu trời.
Ông Nguyễn Phước Lâm ở phường 4 bức xúc: “Khoảng 16 giờ hàng ngày là đàn yến lại bay về các nhà nuôi yến. Xung quanh nhà tôi có nhiều hộ nuôi, nên chim bay về rất nhiều. Có lần tôi tưới nước cây trên tầng 3 nhà mình, phân chim rơi trúng người. Không chỉ vậy, khi người nuôi yến tưới nước trên hang yến, nước bắn ra từ các lỗ thông khí, gây mất vệ sinh”.
Khó kiểm soát
Việc nhiều người nuôi chim yến tại nhà đã phổ biến, nhưng hiện nay việc quản lý hoạt động này của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi bệnh dịch cúm gia cầm bùng phát, vì loài chim này có nguy cơ lây bệnh cao.
Còn nhớ, năm 2013, khi dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong nước thì đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận bị nhiễm cúm H5N1. Hiện nay, dịch cúm gia cầm cũng đang hoành hành tại nhiều địa phương, nên người dân Phú Yên nói chung và TP Tuy Hòa nói riêng rất lo lắng trước nguy cơ mắc bệnh của chim yến.
Đặc trưng của loài chim này là có thể bay lượn cả ngày trên phạm vi rộng hàng trăm cây số để kiếm ăn, chính vì vậy mà không ai biết được liệu chim yến có đáp xuống vùng bị dịch cúm hay không.
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, hiện khó quản lý việc nuôi chim yến trong nhà của người dân. Điều này dẫn đến công tác kiểm soát dịch bệnh từ đàn yến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc kiểm soát chỉ có thể thực hiện được khi việc nuôi chim yến được tổ chức theo quy hoạch chung, thế nhưng hiện tỉnh vẫn chưa có quy hoạch này.
Theo ông Dương Minh Phú, Phó giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, hiện không thể thống kê được có bao nhiêu hộ nuôi chim yến ở TP Tuy Hòa, vì đa phần họ nuôi tự phát. Để việc nuôi chim yến trong nhà được phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, Sở KH-CN đang phối hợp với Sở NN-PTNT hoàn thiện quy hoạch chung về việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.

Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.

Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.