Nuôi Cá Trắm Đen Ở Đông Triều (Quảng Ninh)

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã Yên Đức (huyện Đông Triều - Quảng Ninh) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa các con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Dự án nuôi cá trắm đen thương phẩm được triển khai thí điểm ở xã Yên Đức là một trong những mô hình mới như vậy.
Yên Đức là một xã miền núi của huyện Đông Triều. Hiện 1/3 diện tích của xã đã được chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều hộ dân trong xã xác định nuôi thuỷ sản là nghề chủ yếu của gia đình. Chúng tôi đến nhà ông Trịnh Văn Quang (thôn Đức Sơn), một trong 4 hộ tham gia mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm ở xã.
Ông Quang hồ hởi cho biết: “Trước kia gia đình tôi chỉ nuôi ít cá trắm đen lẫn với nhiều loài cá khác, hiệu quả không cao. Từ khi được tham gia vào dự án, nắm được kỹ thuật nuôi, thấy được hiệu quả kinh tế rõ ràng, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen lên 3.000m2…”.
Dự án nuôi cá trắm đen thương phẩm 1,5ha của huyện Đông Triều bắt đầu được triển khai thực hiện từ tháng 9-2013 với mô hình thí điểm tại xã Yên Đức, có kinh phí 485 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 210 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các hộ tham gia.
Để nông dân nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá trắm đen, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho bà con theo phương thức “cầm tay chỉ việc” từng giai đoạn, để đảm bảo cá trắm đen phát triển tốt. Phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Hội Nghề cá xã Yên Đức tích cực vận động bà con trong xã tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền kịp thời trên loa đài truyền thanh của xã và các thôn về phòng trị bệnh cho cá, vệ sinh ao hồ, để các hộ tham gia thực hiện đúng quy trình nuôi cá trắm đen.
Trước đây, cá trắm đen chỉ được nuôi thả nhỏ lẻ trong một vài hộ dân, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân; thức ăn cho cá phần lớn được tận dụng từ các phụ phẩm nông nghiệp, như ốc, cỏ, cám, thóc...; việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, dẫn tới năng suất nuôi cá trắm đen rất thấp, chỉ khoảng 2,5 tấn/ha. Nay, tham gia dự án, bà con được học tập khoa học kỹ thuật nên đã nắm vững được các yếu tố cơ bản của quy trình nuôi cá trắm đen.
Thức ăn cho cá trắm đen được chuyển đổi sang thức ăn công nghiệp, nhờ đó hộ nuôi đã chủ động được nguồn thức ăn cho cá, hạn chế được dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, đồng thời tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi. Bà con tham gia mô hình rất phấn khởi, mong muốn được mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen và được Nhà nước quan tâm tới tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
Với những cố gắng nỗ lực của Phòng NN&PTNT huyện Đông Triều, sự phối hợp tích cực của Hội Nghề cá xã Yên Đức và đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con mà mô hình nuôi cá trắm đen của huyện mặc dù lần đầu tiên được triển khai theo hình thức công nghiệp, nhưng bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến thời điểm này, cá trắm đen đạt trung bình khoảng 1 kg/con, phát triển tốt.
Đến giữa năm 2014, cá trắm đen sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên, dự kiến năng suất khoảng 10 tấn/ha với giá thành khoảng 80.000 đồng/kg. Ông Đặng Văn Diềm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Triều cho biết: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng phát triển 5ha mô hình nuôi cá trắm đen nói riêng, đưa các con giống khác có hiệu quả cao nói chung vào nuôi trồng cho bà con trong huyện”.
Với những tín hiệu bước đầu khả quan này, mô hình nuôi cá trắm đen theo phương pháp công nghiệp của huyện Đông Triều sẽ thành công, góp phần nâng cao đời sống cho bà con, thúc đẩy phát triển nông thôn mới cho những xã còn khó khăn của huyện.
Có thể bạn quan tâm

Cá rô phi được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một trong 4 đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh nghiệm nuôi cùng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến tương đối tốt nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi.

Trong những ngày qua, nhiều tổ chức chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ hành tím tồn kho của Sóc Trăng. Trong những lô hàng đã mang đi tiêu thụ đều mang nặng nghĩa tình chia sẻ của nhiều người đối với người nông dân trồng hành trong thời điểm khó khăn này.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,47 tỷ USD, giảm 6%.

Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, nâng cao hơn nữa sự liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) là yêu cầu cấp bách. Vấn đề này đã được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”, được tổ chức sáng nay (27/4).

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định.