Nuôi Cá Thác Lác Cườm Không Lo Việc Tiêu Thụ

Anh Đặng Thành Thơm ở xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự - Đồng Tháp) đã nói như vậy khi chuyển từ ươm nuôi cá tra giống sang nuôi cá thác lác cườm thời gian qua.
Cá thác lác cườm là giống cá nước ngọt có khả năng chịu phèn, thịt cá ngọt và dai, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, đặc biệt là món chả, nên rất dễ tiêu thụ trên thị trường hiện nay.
Theo anh Thơm, muốn nuôi cá thác lác cườm thành công, phải chuẩn bị ao nuôi khoảng 10 ngày trước khi thả cá giống. Việc chuẩn bị gồm: tát cạn nước, vét bùn, bón vôi (9 kg/100m2), phơi ao (2 ngày), lấy nước vào ao ở mức 2m, diệt khuẩn trong nước (dùng dung dịch Vime–protex với liều 1 lít/2.000m3 nước ao), gây màu nước ao (nước phải có màu xanh lá chuối non rồi mới thả cá giống). Cá giống được chọn có kích cỡ 9 - 11cm, trên một ao rộng 1.600m2 anh thả 16.000 con.
Việc thay nước phải được làm thường xuyên: tháng đầu thay 1 lần (30% nước), tháng thứ 2 cho đến thu hoạch cứ 15 ngày thay nước 1 lần cũng với 30% nước trong ao. Định kỳ 15 ngày diệt khuẩn trong nước 1 lần bằng dung dịch Vime–protex với liều lượng 1 lít/1.500m3 nước trong ao.
Việc cho cá ăn được anh Thơm quan tâm. Ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát (chủ yếu là buổi chiều vì cá có tập tính thích ăn đêm), thức ăn được để trên sàn để có thể kiểm tra mức độ cá ăn mà gia giảm và tiết kiệm thức ăn, giảm ô nhiễm nước ao.
Cá thác lác thích ăn mồi tươi sống, những nơi nguồn thức ăn tươi sống có khó khăn có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp theo tỷ lệ 60 – 70% cá tươi + 40 - 30% thức ăn công nghiệp (chú ý: khi tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp nên giảm lượng cá tươi từ từ để tránh cá chưa quen thức ăn sẽ bị đói dẫn đến hao hụt). Sau 5 tháng nuôi có thể thu hoạch.
Với cách nuôi như trên, anh Thơm ước thu hoạch được 1.960kg cá thác lác thương phẩm. Nếu tính giá bán 55.000 đ/kg (giá thương lái đặt mua) anh thu 107,8 triệu đồng (chi 84,304 triệu) thì mức lời chưa cao.
Lý do là anh cho cá ăn thức ăn công nghiệp quá sớm nên mức hao hụt cá giống cao (tỷ lệ cá sống của anh chỉ đạt 47%), mặt khác giá cá giống của anh cao chiếm tới 50% chi phí. Tuy nhiên, nếu biết điều chỉnh những vấn đề trên thì lời nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm

Tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, hàng trăm hộ dân ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam) triển khai gieo trồng dưa gang và dưa leo trên những chân đất lúa. Nhờ dưa được mùa được giá nên nhiều gia đình có nguồn thu nhập cao.

Đây là loại trái cây tươi thứ hai sau thanh long của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào Hàn Quốc.

Thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vốn là nông trường cam Bố Hạ ngày trước. Do giống cam Bố Hạ bị thoái hoá và do đổi mới cơ chế, nông trường giải thể, đất đai giao cho công nhân quản lý, đất trồng cam ngày trước nay được trồng vải thiều. Nếu chỉ dựa vào nguồn thu từ vải thiều thì kinh tế các hộ hạn chế, những năm gần đây nhiều gia đình đã nuôi gà màu chăn thả dưới tán cây vải cho thu nhập khá, đời sống được nâng cao.

Tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Ngãi thực hiện mô hình nuôi cá bớp thương phẩm trong lồng tại hộ ông Võ Đình Lân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ trên qui mô 108 m3 lồng nổi với tổng lượng cá giống là 1.080 con.

Thời gian qua, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện khá thuận lợi. Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng có hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân các xã tiểu vùng II, III đã mạnh dạn đầu tư, với diện tích tăng trên 300ha so với năm 2012.