Nuôi cá tầm trên núi

Trại cá tầm của ông Lâm ở dưới chân thác Ba Tầng. Đây là điểm tiếp giáp giữa địa giới hành chính của tổ dân phố 13, thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) với xã Đa Kai (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận).
Là một vùng có khí hậu nắng nóng, nên ban đầu chúng tôi cứ ngỡ loài cá nước lạnh này được ông Lâm nuôi trong một môi trường đặc biệt. Nhưng, điều bất ngờ là ngay trên rẫy trồng điều của mình, ông Lâm đã xây dựng một Trại nuôi cá tầm khá đồ sộ với 10 bể nuôi cá nằm sát nhau.
Ngay tại các bể nuôi cá được xây bằng xi măng theo hình quả cầu có diện tích từ 50 - 300m2, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng ngàn con cá tầm khỏe mạnh, phát triển tốt đang vùng vẫy bơi lội. Dẫn chúng tôi đi tham quan trại cá, ông Lâm cho biết: “Nước từ thác Ba Tầng chảy ra luôn trong mát bốn mùa, là điều kiện lý tưởng để tôi chọn nơi đây xây bể và đưa nước vào nuôi cá tầm.
Trước khi mua cá về nuôi, tôi đã tìm đến các trại nuôi cá tầm ở Đà Lạt và Lạc Dương để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Ngoài nguồn kinh phí xây bể, năm 2013, tôi đầu tư 600 triệu đồng để mua 1.000 con cá tầm giống về nuôi thử nghiệm. Tôi nuôi cá với mật độ 7 con/m3”.
Vì đây là lần đầu tiên nuôi cá tầm, nên ông Lâm rất lo lắng. Nhưng, nhờ nguồn nước trong mát được bơm vào thay ra liên tục và tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc, nên đàn cá lớn nhanh. Sau 8 tháng, ông Lâm xuất bán lứa cá tầm đầu tiên đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con. Với giá bán từ 170 - 200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí thức ăn và công chăm sóc, lứa cá này mang về cho ông Lâm nguồn lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thành, người được ông Lâm thuê làm quản lý, rất phấn khởi khi nói về công việc chăm sóc cá: “Tôi cùng với 5 công nhân khác trông coi và chăm sóc cá đã được hơn 2 năm. Công việc hàng ngày của chúng tôi là thay phiên nhau điều tiết nước trong bể, cho cá ăn và vệ sinh bể mỗi ngày 3 lần”.
Với sự thành công từ việc nuôi thử nghiệm lứa cá đầu tiên, ông Lâm đã đầu tư để tăng đàn cá lên 3.000 con/lứa. Đến nay, ông Lâm nuôi thêm 4 lứa cá tầm và đã xuất bán được 3 lứa. Nhờ cá tầm được ông Lâm nuôi trong nguồn nước suối sạch, nên các thương lái ở TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp liên hệ và ký hợp đồng với ông để thu mua.
Song, trong quá trình nuôi cá tầm, ông Lâm cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là bệnh đốm đỏ (hay còn gọi là bệnh ghẻ) thường xuất hiện ở đàn cá vào mùa mưa. Ông Lâm cho hay: “Không hiểu sao, về mùa nắng cá phát triển rất nhanh và không hề bị bệnh tật gì. Nhưng, cứ đến mùa mưa là đàn cá lại bị bệnh ghẻ tấn công khiến tôi mất ăn, mất ngủ.
Khi cá bị ghẻ, tôi phải cho cách ly để chữa trị nhằm tránh lây lan sang những con khác. Hiện, cách trị ghẻ cho cá tốt nhất mà tôi đang áp dụng là dùng muối hòa với nước với tỷ lệ 5% để “tắm” cho cá mỗi ngày”. Hiện ông Mai Thanh Lâm vẫn cố gắng để tìm hướng khắc phục nhằm duy trì và phát triển đàn cá ngày một nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm

Việc thâm canh tăng vụ thời gian qua luôn tiềm ẩn nguy cơ sản sinh nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Theo nhiều nông dân, từ đầu mùa khô đến nay, trên nhiều cánh đồng trong tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện chuột cắn phá với tình hình căng thẳng hơn các năm trước.

Mùa mưa năm nay đến muộn hơn nên lịch xuống giống các cây trồng cạn ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chủ yếu sử dụng nước mưa như cây bắp lai, cây đậu đều bị chậm lại. Những trà bắp tỉa đón mưa tại khu vực này mọc không đều, bị chết cây, héo lá; việc bón phân định kỳ không thực hiện được.

Trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ngành Nông Nghiệp khuyến khích và áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến hàng hóa nông – lâm - thủy sản để thúc đẩy sản xuất hàng nông sản chất lượng cao trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, vừa phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thúc đẩy thương mại-dịch vụ phát triển.

VN là một trong các quốc gia nuôi TCX lớn trên thế giới (sản lượng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan). Vùng nuôi trọng điểm là ở khu vực ĐBSCL, tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ và các tỉnh ven biển.

Với lợi thế có nhiều sông ngòi, diện tích hồ chứa khá lớn nên nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa ở Nghệ An đã và đang phát triển, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thúc đẩy kinh tế các xã vùng lòng hồ, ven sông phát triển.