Nuôi Cá Sấu, Lão Nông Thành Tỷ Phú

Đến thăm mô hình VAC kết hợp nuôi cá sấu của anh Đỗ Việt Tiến (Thanh Lãng-Bình Xuyên-Vĩnh Phúc) trong một buổi chiều muộn. Trong câu chuyện kể, anh cho chúng tôi biết về quá trình bươn trải, vấp ngã rồi lại đứng lên để có được thành công như hôm nay của mình.
Sinh năm 1958, khi đất nước đang trong thời kỳ khói lửa. Anh lên đường nhập ngũ 11/5/1977 tại Quân chủng Phòng không Không quân, thuộc Sư đoàn 361 và ra quân vào tháng 5/1985. Anh trở về quê hương và bắt tay vào làm ăn kinh tế, nhưng trồng lúa và hoa màu thu nhập không đáng là bao nên anh quyết tâm tìm hướng làm ăn mới.
“Nhìn bà con quanh năm làm ruộng 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' mà thu nhập chẳng được là bao, tôi ngao ngán,” anh Tiến tâm sự.
Anh cùng gia đình lập mô hình kinh tế trang trại VAC kết hợp nuôi cá sấu. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi. Sau một thời gian, thấy con cá sấu dễ nuôi hơn nữa lại cho hiệu quả kinh tế cao, anh hùn vốn mở rộng trang trại nuôi cá sấu và những ý tưởng cứ thế tiếp nối ra đời.
Năm 2007, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện dồn điền đổi thửa, ruộng đất ngập nước, chua phèn không đem lại năng suất được kêu gọi đấu thầu vào mục đích VAC. Anh Tiến mạnh dạn dồn đất để mở rộng trang trại VAC trên diện tích 30.200m2. Không dừng lại ở đó, anh còn mạnh dạn đầu tư vào việc nuôi cá sấu với mong muốn thoát nghèo. Nghĩ là làm, anh quyết định “khăn gói” đi các nơi để tham quan mô hình và tìm con giống.
Năm 2008, sau khi học hỏi kinh nghiệm qua tivi, báo, đài và mô hình ở nhiều nơi anh bắt tay ngay vào nuôi cá sấu. Ban đầu, anh đầu tư xây chuồng nuôi và lặn lội về Thành phố Hải Phòng để mua 50 con cá sấu giống, với giá 100 triệu đồng ở Công ty cá sấu Miền Bắc. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, lại vững trong công tác chăm sóc và phòng bệnh đàn cá sấu anh nhập về rất nhanh lớn và không bị hao hụt.
Trên diện tích 30.200m2 anh đầu tư xây dựng tường bao quanh, nuôi thêm 2000 con gà, 30 con lợn, trồng cây ăn quả và thả cá.
Mô hình điểm của tỉnh
Sau 2 năm tự mày mò học học hỏi cách nuôi cá sấu, anh Tiến cho xuất lứa cá sấu thương phẩm đầu tiên. Khách hàng là những đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng... về tận nơi mua cá sấu thương phẩm để chế biến trong các nhà hàng đặc sản. Anh Tiến cho biết, giá cá sấu thương phẩm hiện nay là 270.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu về 150 triệu đồng.
Có được thành công ban đầu, anh tiếp tục đầu tư. Hiện trong trang trại của anh có khoảng gần 200 con sắp tới thời kỳ thu hoạch. Tiếng tăm làm ăn hiệu quả từ mô hình nuôi cá sấu thương phẩm lan rộng, nhiều người từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... về tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm.
Không dừng lại từ những ý tưởng, gần đây anh còn thử nuôi thêm loài ếch đồng và sẽ mở rộng mô hình trong vài tháng tới. Anh Tiến cho biết thêm, anh đang đầu tư xây dựng thêm trang trại để đẩy con cá sấu lên giống nuôi chủ lực.
Ngoài việc nâng cấp, mở rộng trang trại theo hướng phát triển bền vững, anh đang thiết kế một hệ thống nuôi cá sấu liên hoàn. Nghĩa là kết hợp giữa cá sấu với các vật nuôi khác như gà, ếch, lợn, cá và cây ăn quả. Đồng thời tự giải quyết nguồn thức ăn cho cá sấu, tăng chất lượng sản phẩm và hạn chế chi phí không cần thiết.
Từ khi mở rộng trang trại, anh Tiến chủ động thuê công nhân làm thêm theo mùa vụ, tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương. Thành công từ mô hình trang trại, anh có thêm từ 300 triệu đồng/năm nhờ con cá sấu. Đến nay, nhờ nuôi cá sấu và phát triển trang trại theo mô hình VAC, anh Đỗ Việt Tiến đã có trong tay vài tỷ đồng.
Chia tay anh thì trời cũng đã sẩm tối, đằng sau tôi là hình ảnh về một "lão nông" mang trong mình dòng máu của một người lính năm xưa vẫn đang sục sôi khí thế dám nghĩ, dám làm, đã trở thành tấm gương điển hình trong mô hình phát triển kinh tế VAC của tỉnh Vĩnh Phúc./.
Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm lốp cao su tái chế của ông Nguyễn Lương Thông (Ý Yên – Nam Định) hiện đã có mặt ở nhiều nước châu Âu, mỗi năm đem về cho gia đình ông trên 12 tỷ đồng. Danh xưng “Vua tái chế cao su” đất Nam Định cũng được hình thành từ đó.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vậy mà giờ đây, gia đình ông Phạm Văn Thương (SN 1955, ngụ ấp Mỹ Phú Đông, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã vươn lên khá giả. Nguồn lợi mỗi năm ông Thương thu hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 31/8/2015, tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kim Ngọc Thái chủ trì hội nghị giao ban với các huyện: Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải để nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các huyện, thị đánh giá tình hình nuôi trồng thủy sản 8 tháng đầu năm và kế hoạch nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm 2015.

Nhiều ao nuôi đã được xử lý nước, chạy quạt nhưng chủ ao vẫn chưa dám thả nuôi. (ảnh chụp tại ấp An Khương B, xã An Điền, huyện Thạnh Phú)

Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu. Thế nhưng, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm bộc lộ nhiều hạn chế, không chỉ dịch bệnh thường xuyên hoành hành, mà thị trường tiêu thụ loại thủy sản này cũng bấp bênh.