Nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai

Hiệu quả bước đầu...
Sau khi hồ thủy điện Sơn La tích nước, Quỳnh nhai có hơn 10.000 ha mặt nước với nguồn thủy sản phong phú, đa dạng là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a; vận động các hộ dân dọc sông nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng. Đến nay, huyện có 7 HTX thủy sản và một số hộ dân tham gia nuôi với 218 lồng cá tập trung ở các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn; sản lượng ước đạt 270 tấn/năm; sản lượng cá, tôm đánh bắt khoảng 730 tấn/năm.
Khu vực cầu Pá Uôn, là nơi có nhiều hộ dân, HTX thủy sản tham gia nuôi cá lồng dưới lòng hồ thủy điện. HTX thủy sản Hạnh Lợi có tới 32 lồng cá (14 lồng cá nheo, 7 lồng cá tầm, còn lại là cá chép, cá trôi, rô phi...). Bà Vũ Thị Lợi, Chủ nhiệm HTX nói: Tiền lãi thu được đều nằm dưới lòng hồ cả, bởi trung bình hằng năm HTX xuất bán khoảng 10 tấn cá, số tiền thu về hầu hết HTX dùng tái sản xuất. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chiềng Bằng là xã có nhiều hộ dân nuôi cá lồng nhất huyện, ông Tòng Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Năm 2010, xã được huyện hỗ trợ đầu tư nuôi 20 lồng cá. Nhận thấy lợi ích của nuôi cá lồng đến nay toàn xã đã phát triển được 137 lồng với 110 hộ tham gia. Bình quân, đầu tư 1 lồng cá khoảng 30 m2 mất gần 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi lồng cá thu lãi khoảng 12 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân trong xã thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng như gia đình ông Lò Văn Khặn, Tòng Văn Hoa, (bản Huổi Quẩy)...
... Và những khó khăn
Không thể phủ nhận hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng, bước đầu giúp người dân chuyển từ thói quen sản xuất độc canh trên đất dốc sang phát triển nuôi cá lồng gắn với nuôi thủy cầm trên lòng hồ, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, Quỳnh Nhai còn gặp khó khăn vì chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi cá. Người dân tự tìm đầu mối tiêu thụ, cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Trong khi các loại cá thông thường như trắm, chép khó tiêu thụ bởi giá bán tại lồng từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg, khó cạnh tranh được cá nuôi công nghiệp giá chỉ có 50 - 60 nghìn đồng/kg. Các loại cá đặc sản như: nheo, lăng, tầm dễ tiêu thụ hơn thì giá con giống lại cao; tỷ lệ nuôi sống chỉ đạt khoảng 50% - 60%; thêm nữa đầu ra chưa ổn định, cộng với thiếu vốn mở rộng quy mô nuôi nên người dân chưa tận dụng hết diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi cá...
Bà Tòng Thị Chói, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng thật thà: Đến cuối năm, hầu hết các lồng cá đều đến thời điểm thu hoạch, số lượng cá trong xã tăng vọt, rất khó để bán với số lượng lớn. Bởi vậy, gia đình tôi thường thả cá xen để lúc nào cũng có cá to bán cho người dân có nhu cầu. Mong muốn nhất của chúng tôi là có doanh nghiệp đảm bảo đầu ra, để người dân yên tâm nuôi và mở rộng sản xuất.
Đối với người dân việc tìm đầu ra đã khó, các HTX càng khó hơn bởi nuôi với số lượng lớn. Bà Vũ Thị Lợi cho chúng tôi biết thêm: Bởi chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm nên HTX phải chủ động tìm đầu ra qua các nhà hàng, các thương lái chuyên mua gom cá hoặc bán trực tiếp cho người dân, nhu cầu rất thất thường, không ổn định. Năm vừa qua, HTX nuôi được hơn 12.000 con cá nheo đến thời gian thu hoạch cũng chỉ bán được một nửa... Bên cạnh đó, mực nước lên xuống thất thường, ảnh hưởng của thiên tai, báo lũ cũng là những khó khăn đối với người nuôi cá lồng. Ngay trong năm 2012, giông lốc đã cuốn trôi gần hết lồng bè, gây thiệt hại cho chúng tôi hàng trăm triệu đồng.
Phát triển nuôi cá lồng bền vững
Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, như: dùng thuốc nổ, dùng các loại cây gây ngộ độc cá; vận động hộ dân tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; giao mặt nước cho các hộ dân nuôi cá lồng; thành lập các HTX thủy sản...
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Bỉnh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: Thời gian tới, huyện phối hợp với Tập đoàn cá tầm Việt Nam nuôi hơn 1.000 lồng cá với hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, người dân trở thành công nhân. Huyện tiếp tục vận động các hộ thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để được hưởng những chính sách ưu tiên của Nhà nước; mời gọi các doanh nghiệp đến với Quỳnh Nhai cùng người dân phát triển, mở rộng nghề nuôi cá trên lòng hồ sông Đà.
Khai thác diện tích mặt nước phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là hướng đi đúng của huyện Quỳnh Nhai, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ dân không còn đất sản xuất khu vực ven lòng hồ thủy điện Sơn La. Chính quyền địa phương cần có các bước đi mạnh mẽ và quyết liệt hơn để giúp đỡ bà con phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch lòng hồ để nâng cao đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tìm được những doanh nghiệp đứng ra chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho người dân... có như vậy nghề nuôi cá lồng mới thực sự phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Tại buổi làm việc, ông Daiken Murakami đã giới thiệu công nghệ trồng trọt mới trong ngành nông nghiệp. Theo đó, Tập đoàn Showa Denko đã nghiên cứu thành công kỹ thuật trồng rau sạch trong nhà sử dụng ánh sáng đèn Led. Bóng đèn Led có thể tạo ra bước sóng ánh sáng tối ưu, đáp ứng nhu cầu phát triển của thực vật và thúc đẩy tăng trưởng khoảng 2,5 lần so với ánh sáng thông thường.

Chị Quỳnh Liên, ngụ phường Tân Quy, quận 7, cho biết chị vừa đi chợ nghe tiểu thương nói Tết này giá chuối để chưng sẽ tăng mạnh. "Nhưng dù giá có tăng cao bao nhiêu thì cũng phải ráng mua ít nải chuối xanh về để thờ cúng ông bà. Tết nhất mà trên bàn thờ không có loại trái cây này thì kỳ lắm” - chị Liên chia sẻ.

Nguyên nhân rớt giá một phần do các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh (Tịnh Biên, Vĩnh Xương) ngưng làm thủ tục (đóng cửa) lúc 18 giờ hàng ngày, khiến dưa hấu bị hạn chế khi xuất khẩu sang Campuchia, trong khi đây là thời điểm làm ăn sôi động. Thương nhân hai nước đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho mở cửa biên giới đến 21 giờ đêm để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa.

Cá chép là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ… nên được nuôi khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua theo dõi nuôi cá chép trên địa bàn tỉnh, người nuôi chủ yếu thả tận dụng, cơ cấu mật độ thả thấp, chỉ chiếm khoảng 10 - 20% so với tổng đàn cá thả, dẫn đến sản lượng thu hoạch cá chép không cao, lợi nhuận của người nuôi còn thấp. Chưa có nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cá chép để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex đã chia sẻ riêng với NNVN về các kinh nghiệm tái cấu trúc ngành hàng và DN nông sản XK trong năm 2015...