Nuôi Cá Lồng Lãi Cao

Với giá cá từ đầu tháng 8 đến nay tăng cao, khoảng 42.000 đ/kg cá diêu hồng, 120.000 đ/kg cá lăng, anh Sơn nhẩm tính sẽ thu về vài trăm triệu đồng tiền lãi.
Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tranh thủ tận dụng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện Đăk R’Tích để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện giá cá diêu hồng và cá lăng nuôi chủ lực tại đây đang ở mức cao…
Hộ anh Phạm Văn Sơn, ngụ phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) đã có gần 5 năm theo nghề nuôi cá lồng. Đến thời điểm hiện tại anh đã có 2 bè cá với gần 40 lồng cá quy mô lên đến 2.000 m2, mỗi năm thu hoạch gần trăm tấn cá thương phẩm.
Với giá cá từ đầu tháng 8 đến nay tăng cao, khoảng 42.000 đ/kg cá diêu hồng, 120.000 đ/kg cá lăng, anh Sơn nhẩm tính sẽ thu về vài trăm triệu đồng tiền lãi. Vừa cho cá ăn, anh Sơn vừa chia sẻ: “Mấy năm về trước khi hồ thủy điện Đăk R’Tích ngăn dòng tích nước, nhìn mặt hồ rộng lớn mênh mông tôi đã nghĩ ngay sẽ đầu tư nuôi cá trên diện tích này”.
Năm 2009, anh Sơn mạnh dạn chuyển đổi trang trại đang nuôi heo siêu nạc của mình, tập trung nguồn vốn để chuyển sang đầu tư làm lồng bè nuôi cá. Anh vay thêm 200 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua gần 1 tấn cá giống diêu hồng về nuôi thử.
Sau mẻ cá nuôi và chăm sóc đầu tiên kéo dài từ 6 -7 tháng, anh Sơn nhận thấy cá trong lồng thích nghi tốt với điều kiện môi trường nước trong lòng hồ thủy điện, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân mỗi con đạt từ 1,2- 1,5kg.
Thấy việc nuôi cá trong lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Sơn mạnh dạn đầu tư thêm vốn, mở rộng diện tích và thuê mướn nhân công đẩy mạnh việc nuôi cá diêu hồng trong lồng bè. Dần dần bà con ở đây cũng học theo mô hình này để tận dụng mặt nước nuôi cá.
Cách bè nuôi cá của anh Sơn không xa, hộ anh Phùng Tân Thanh cũng đang thả nuôi hơn 50 tấn cá theo hình thức nuôi trong lồng bè. Năm 2010, thấy các hộ dân quanh khu vực hồ thủy điện nuôi cá có hiệu quả cao nên gia đình anh Thanh cũng quyết định đóng lồng nuôi cá.
Anh Thanh kể: “Thời gian đầu do chưa có vốn nên tôi chỉ nuôi được 2 lồng bè với quy mô 100 m2, sau một thời gian vừa nuôi vừa đầu tư thêm vốn để mở rộng, đến nay diện tích lồng bè của tôi đã lên hơn 500 m2. Với quy mô 50 m2 một lồng, mỗi lồng nuôi 4 tấn cá, một năm hai vụ thì với 10 lồng cá, nhà tôi cung cấp cho thị trường tỉnh Đăk Nông gần trăm tấn cá sạch”.
Ngoài diện tích nuôi cá diêu hồng trên, hiện nay gia đình anh đang tiến hành nuôi thêm 2 lồng cá lăng và một lồng cá trê để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa.
Theo anh Thanh việc tìm đầu ra cho con cá diêu hồng cũng không phải là điều khó khăn, bởi lượng cá hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng hết cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Các cơ sở nuôi cá đa phần đều có giao kèo, kí kết với các thương lái bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra với giá cả luôn duy trì ở mức ổn định.
Ông Nguyễn Văn Luyến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Gia Nghĩa cho biết: “Toàn thị xã có 130 ha diện tích mặt nước, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản là 62 ha.
Để khuyến khích người dân tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt, Hội Nông dân TX sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân được vay vốn đầu tư, tiếp cận kĩ thuật phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, vươn lên xóa đói giảm nghèo".
Hiện tại đã có trên 30 hộ dân tham gia nuôi cá lồng, bao bọc xung quanh hồ thủy điện Đăk R’Tích. Nhiều hộ khẳng định, với giá cá ổn định ở mức cao như hiện nay thì hầu như vụ nào cũng có lãi.
Có thể bạn quan tâm

Trước khi bắt tay vào nuôi vịt trời như hiện nay, anh Đào Duy Khương (thôn 2, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng đã có vài năm công tác tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Công nghiệp tàu thuỷ Bến Kiền (TP Hải Phòng). Một thời gian sau thì anh lấy vợ là giáo viên ở Hải Hà, lần lượt sinh 2 con gái. Lương “ba cọc ba đồng”, lại xa nhà nên anh không giúp đỡ gì được vợ con.
Quanh năm gắn bó với ruộng đồng, ông Phạm Văn Long (ấp An Phú A, xã Long An - Long Hồ - Vĩnh Long) đã dành trọn tình yêu cho cây lúa. Bằng sức sáng tạo, ông liên tiếp gặt hái thành công trong việc sáng chế máy chà lúa và lai tạo nhiều giống lúa mới.

Ngày 20-8, UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam tiến hành cấp Sâm giống cho 9 xã Trà Mai, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Tập, Trà Cang, Trà Nam, Trà Vân, Trà Vinh và Trà Don. Việc cấp cây Sâm giống này là nhằm để Sâm Ngọc Linh phát triển mạnh và giúp nhân dân các xã từng bước thoát nghèo nhờ cây Sâm

Được thành lập cuối năm 2014, hợp tác xã trồng màu ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có 47 thành viên với diện tích sản xuất trên 11,5 ha. Năm 2013, được Tổ chức hợp tác kỹ thuật của Cộng hòa Liên bang Đức (GTZ) tài trợ Dự án “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng” trồng rừng phòng hộ chắn sóng ở khu vực đê biển ở ấp Mỏ Ó. Đây là dự án nhằm cung cấp những giải pháp thử nghiệm để quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 21/8, lô nhãn mẫu đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được doanh nghiệp thu mua, chuyển vào TP.Hồ Chí Minh chiếu xạ để lên đường xuất khẩu sang Mỹ.